Thứ Bẩy, 20/04/2024 05:10:30 GMT+7

Tin đăng lúc 17-05-2020

Lượt xem: 1392

Đồng Tháp: Doanh nghiệp nhận thấy lợi ích từ sản xuất sạch hơn

Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai các nội dung liên quan đến sản xuất sạch hơn (SXSH) nhằm từng bước thực hiện hiệu quả Chiến lược SXSH trong công nghiệp trên địa bàn như đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực áp dụng SXSH cho các cơ sở công nghiệp nông thôn… Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã có cái nhìn đúng về SXSH trong công nghiệp, áp dụng thực tế vào cơ sở mình để đem lại lợi ích tối đa.
Đồng Tháp: Doanh nghiệp nhận thấy lợi ích từ sản xuất sạch hơn
Nhiều cơ sở sản xuất bột gạo tại Đồng Tháp được TTKC hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời

Anh Huỳnh Văn Cười – Chủ cơ sở Sản xuất bột Mười Cười cho biết, trước đây cơ sở của anh vừa sản xuất bột vừa kết hợp chăn nuôi heo để tận dụng nguồn phụ phẩm cặn bột. Tuy nhiên, sau đợt dịch tả heo Châu Phi, heo chết hết, bột cặn dư thừa không biết bán đi đâu. Thế nhưng nhờ nhận được sự tư vấn, góp ý, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và TVPTCN Đồng Tháp trong việc xây dựng mô hình máy sấy bột dùng điện và năng lượng mặt trời, anh Cười đã mạnh dạn đầu tư kinh phí 613,5 triệu đồng (trong đó Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng) để chuyển sang sấy bột cặn bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời.

 

“Kể từ khi lắp đặt, hệ thống máy sấy này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với công suất sấy 1,3 tấn/ngày (bột cặn khô), ngoài lượng cặn bột của cơ sở (600 kg cặn bột mỗi ngày) tôi còn thu gom lượng cặn bột của những hộ sản xuất trong Hội quán Làng bột ở địa phương để sản xuất thêm. Nhờ đó, vừa giải quyết bài toán cặn bột tại làng bột, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường” - anh Cười chia sẻ.

 

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có 91% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH được tuyên truyền, phổ biến và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH; 33% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH và tiết kiệm từ 8-13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu; 100% cán bộ chuyên trách về SXSH ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh được đào tạo, tập huấn và đủ năng lực hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ. Đó là những kết quả đem lại nhờ việc áp dụng SXSH trong sản xuất tại các DN.

 

Được biết, giai đoạn 2016 – 2020, tổng kinh phí thực hiện chương trình SXSH của tỉnh Đồng Tháp là 18,4 tỷ đồng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, các sở, ban, ngành còn tham gia, hỗ trợ khảo sát, thu thập số liệu về tình hình sử dụng năng lượng của 143 DN, cơ sở sản xuất trong các lĩnh vực như: Chế biến thủy sản, thức ăn thủy sản, chế biến lương thực, sản xuất gạch, sản xuất nước đá... Qua đó, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về suất tiêu hao nguyên liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm của các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh để các DN, cơ sở triển khai thực hiện tốt trong công tác SXSH. Kết quả, đã hỗ trợ, tư vấn cho 267 DN, cơ sở trong áp dụng SXSH; thực hiện kiểm toán năng lượng; tư vấn giải pháp TKNL, hỗ trợ kinh phí áp dụng giải pháp TKNL và SXSH vào trong hoạt động sản suất.

 

Thực tế, SXSH đã và đang góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; tạo được lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá áp dụng SXSH, đồng thời tuyên truyền nhiều hơn nữa những tích cực mà SXSH mang lại. Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu mục tiêu đến năm 2025, có 95% cơ sở sản xuất công nghiệp được tuyên truyền, phổ biến và nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp, 60% cơ sở sản xuất công nghiệp tiết kiệm từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên đơn vị sản phẩm; 95% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng SXSH có cán bộ đủ năng lực phụ trách, áp dụng SXSH.

 

Bảo Kiên


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang