Thứ Tư, 17/04/2024 05:33:55 GMT+7

Tin đăng lúc 20-04-2020

Lượt xem: 1392

Dù Covid 19, Hưng Yên không “sao nhãng” phát triển công nghiệp hỗ trợ

Những năm qua, Hưng Yên là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh và mạnh nhất của miền Bắc với nhiều khu công nghiệp (KCN) lớn như KCN và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, Phố Nối, Như Quỳnh, Thăng Long II,… Có được điều đó không thể không kể đến sự đóng góp của các nhóm ngành, lĩnh vực thuộc công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Dù Covid 19, Hưng Yên không “sao nhãng” phát triển công nghiệp hỗ trợ
Khu công nghiệp Thăng Long 2, Hưng Yên tạo việc làm cho nhiều công nhân sản xuất phụ kiện xe máy, xe hơi và thiết bị công nghiệp

Phát huy thành quả đó, hiện nay, Hưng Yên đang tích cực đẩy mạnh, chú trọng phát triển CNHT hơn nữa nhằm ngày một gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

 

Mới đây, trung tuần tháng 3/2020, mặc dù đại dịch Covid 19 còn diễn biến khá phức tạp, nhưng tại một phiên họp thường kỳ, UBND tỉnh đã xem xét, cho ý kiến về một số nội dung, phương hướng phát triển quan trọng. Trong đó có đề án phát triển CNHT của tỉnh tới năm 2025 định hướng đến năm 2030 do Sở Công Thương của tỉnh đề xuất. Điều này cho thấy, Hưng Yên khá chú trọng phát triển CNHT và tận dụng các cơ hội đầu tư thời gian tới trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

Hiện nay, ngành CNHT của tỉnh Hưng Yên đã hình thành khá rõ nét trong 6 lĩnh vực như: Cơ khí Chế tạo; Thiết bị điện - điện tử; Dệt may; Da giày; Sản xuất và lắp ráp ô tô; Sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, cùng với tổng số gần 200 dự án sản xuất các sản phẩm CNHT trên địa bàn. Mặc dù các sản phẩm CNHT chưa đáp ứng hết hoàn toàn nhu cầu nhưng nó đã được cung cấp khá nhiều, phục vụ cho sản xuất của các ngành Công nghiệp chủ lực trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Bởi vậy, Đề án phát triển CNHT tỉnh tới 2025 định hướng đến năm 2030 là căn cứ góp phần quan trọng đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp.

 

Trên cơ sở Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng yêu cầu các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ tích cực tham gia, đóng góp hoàn thành các nội dung về CNHT của Đề án. Trong đó, tỉnh lưu ý, Sở Công Thương trực thuộc cần tập trung, chú trọng những nhiệm vụ phải thực hiện trong thời gian tới, sao cho sát với tình hình thực tế của tỉnh và cập nhật vào Đề án những quy hoạch các địa phương đã và đang thực hiện phát triển CNHT. Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các ngành CNHT không gây ôi nhiễm môi trường, tận dụng những lợi thế, tiềm năng của tỉnh để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động; tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp, công tác đào tạo, cơ sở hạ tầng cho CNHT,…

 

 

Một nhà máy CNHT Hưng Yên - Nhà máy Ecotech luôn đáp ứng tiêu chuẩn, công suất phục vụ các tập đoàn trong lĩnh vực linh kiện điện

 

Nhờ chú trọng phát triển CNHT, nên những năm qua, rất nhiều dự án với giá trị sản xuất lớn đi vào hoạt động như: Công ty TNHH dây và cáp điện ô tô Sumiden Việt Nam với dự án sản xuất dây cáp điện với công suất gần 100 nghìn tấn/năm; Công ty TNHH Hamaden Việt Nam, sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô với công suất trên 6 nghìn tấn sản phẩm/năm; Công ty TNHH Kosaka Việt Nam, sản xuất trục động cơ cho xe tải công nghiệp với công suất 49 nghìn sản phẩm/năm; Dự án sản xuất thiết bị vệ sinh và các phụ kiện của Công ty TNHH TOTO Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 281 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in dùng cho các thiết bị điện tử của Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 100 triệu USD; dự án Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.600 tỷ đồng; dự án Nhà máy tôn mạ mầu của Công ty TNHH một thành viên Hòa Phát với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.400 tỷ đồng...

 

Đặc biệt, cũng nhờ tích cực phát triển CNHT, nên những năm gần đây, CNHT nói riêng và công nghiệp Hưng Yên phát triển với nhiều chỉ tiêu chủ yếu đã đạt, gần đạt so với Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra, góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên tăng từ 8% đến trên 10%. Riêng năm 2019, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại với: công nghiệp - xây dựng chiếm 62,15%; thương mại và dịch vụ 29,41%; nông nghiệp - thủy sản 8,44%. Đồng thời, địa phương đã chủ động và tích cực trong công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu. Tổng thu ngân sách năm 2019 là 14.450 tỷ đồng, đạt 112,3% kế hoạch, tăng 9,2%.Trong đó, thu ngân sách từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 80% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Đây là nhân tố quyết định đưa tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh tự cân đối thu chi ngân sách.

 

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển CNHT hơn nữa khi đại dịch Covid 19 đi qua, ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh nhấn mạnh, Sở Công Thương đã và đang tham mưu với tỉnh thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Rà soát quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với sản xuất và tiêu dùng bền vững; Đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển CNHT tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Hoàn thành điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện mới và những quy định của Chính phủ, sát với thực tiễn của tỉnh, có tính khả thi cao; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp; Tích cực tìm kiếm, vận động, lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín, kinh nghiệm để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch...

 

Hưng Hà


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang