Thứ Năm, 25/04/2024 18:32:22 GMT+7

Tin đăng lúc 07-01-2019

Lượt xem: 3345

Dư địa cải cách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn nhiều

Cải cách hành chính được coi là một điểm sáng thực hiện Nghị quyết 35/2016/CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến 2020 trong năm 2018. Tuy nhiên, dư địa các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục cải cách vẫn còn khá nhiều.
Dư địa cải cách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn nhiều
Hoạt động hỗ trợ tại Trung tâm cải cách hành chính công

Cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh... là những yêu cầu Nghị quyết 35/CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến 2020 Chính phủ đã đặt ra. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP và các chỉ đạo liên quan của Thủ tướng, trong năm 2018, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng nhiều chương trình hành động đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp; tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, tiếp cận tín dụng và các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động hành chính nhà nước; công khai, minh bạch thông tin cho doanh nghiệp và thực hiện Chính phủ điện tử; tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.


Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhận xét: Đã có nhiều địa phương đạt kết quả cải cách hành chính tốt, một số thủ tục cắt giảm thời gian đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết 19/NQ-CP và cam kết mà UBND các tỉnh đã ký kết với VCCI. Chẳng hạn, thời gian thành lập doanh nghiệp, đến nay đa số các tỉnh, thành phố đã cắt giảm xuống chỉ còn 2 ngày (cam kết là 3 ngày), thậm chí có tỉnh chỉ còn 1 ngày. Thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng, thuế, bảo hiểm, điện, nước… cũng đều được các địa phương tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian giải quyết hơn rất nhiều so với trước đây.

 

Mô hình trung tâm hành chính công được nhiều tỉnh/thành tổ chức nhằm giảm thiểu thời gian đi lại và sự phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Có tỉnh như Quảng Ninh, Quảng Ngãi… đã xây dựng trung tâm hành chính công đến cấp huyện. Tất cả các địa phương đến nay đều đã triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện kê khai nộp thuế điện tử (đa số các tỉnh đạt từ 96-100%).

 

Hoạt động đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp (một chỉ tiêu quan trọng được giao trong Nghị quyết 35) đã được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức. Nhiều địa phương đã sáng tạo tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo loại hình doanh nghiệp (doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI theo từng nước), hàng tuần, hàng tháng, đối thoại trên truyền hình… Đặc biệt, mô hình “cà phê doanh nhân” đã được nhiều tỉnh tổ chức tạo không khí thân thiện, cởi mở, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Hầu hết các tỉnh đều đã xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

 

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, có nhiều giải pháp cải cách đã được các bộ, ngành, địa phương đưa ra, song hành trình tác động tích cực tới doanh nghiệp vẫn còn rất dài. Trong đó, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành dù quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết thủ tục hành chính năng lực chuyên môn còn hạn chế. Tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu vẫn diễn ra gây bức xúc doanh nghiệp.

 

Chính phủ đặt mục tiêu đến 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết các tỉnh, thành phố đến nay mới chỉ dám đặt mục tiêu về số doanh nghiệp đăng ký thành lập hoạt động. Ngay tại trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội cũng mới chỉ dám đặt mục tiêu hết năm 2020 có 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (đến hết tháng 9/2018, Hà Nội mới có 248.734 doanh nghiệp đăng ký hoạt động). Bên cạnh đó, cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp cũng chưa hoàn thiện; phong trào khởi nghiệp chưa thực sự mạnh và bền vững.

 

Ngoài ra, nhiều địa phương tuy đã quan tâm lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành, song chưa đa dạng hóa các hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. Ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ 3 và 4 trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp còn chậm, số lượng chưa nhiều…/.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang