Thứ Sáu, 19/04/2024 04:59:22 GMT+7

Tin đăng lúc 28-09-2022

Lượt xem: 837

Dư địa nào cho Hưng Yên đột phá?

Thu hút đầu tư đang gặt hái những thành công, đô thị đang phát triển mạnh mẽ, tỉnh Hưng Yên đang có khát vọng vươn tầm trở thành tỉnh phát triển đồng bộ nhất khu vực đồng bằng sông Hồng.
Dư địa nào cho Hưng Yên đột phá?
Hưng Yên đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư những dự án “tầm cỡ” thúc đẩy KT-XH phát triển

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế và các bộ, ngành, tỉnh Hưng Yên đang trỗi dậy phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, Hưng Yên sẽ phát triển đột phá trong những năm tới.

 

Những dự án chục nghìn tỷ

 

Mặc dù đã có những bước phát triển vượt bậc, tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, tỉnh Hưng Yên phát triển chưa tương xứng với điều kiện thuận lợi, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Do đó, việc phát triển tỉnh Hưng Yên theo hướng chú trọng công nghiệp kết hợp thương mại, dịch vụ gắn với nền công nghiệp chế biến nông sản, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa là hướng đi phù hợp.

 

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, mới đây, doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất với UBND tỉnh Hưng Yên cho phép “Xây dựng và phục dựng Phố Hiến xưa" với tổng vốn dự kiến tới 25.000 tỷ.

 

Mục tiêu của dự án là nhằm khôi phục Phố Hiến xưa mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa, chỉnh trang không gian văn hóa, cảnh quan; phục dựng lại những công trình văn hóa cổ do các thương nhân người Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản,… đã từng xây dựng thời kỳ Phố Hiến thịnh vượng.

 

Dự kiến, tổng diện tích đất cho đề án là 1.874,8ha, chủ yếu khai thác khu đất ngoài bãi sông Hồng, không sử dụng đất trồng lúa.

 

Ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Hưng Yên đánh giá, dự án sẽ là điểm đến du lịch nổi tiếng tầm cỡ quốc gia, quốc tế, thu hút hàng triệu lượt tham quan mỗi năm; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, thúc đẩy kinh tế cũng như xây dựng và giữ gìn di sản cho các thế hệ sau, phù hợp với định hướng phát triển bền vững.

 

Cũng theo ông Diễn, trong Đề án và kế hoạch phát triển KT-XH vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, Hưng Yên chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch - phát triển kinh tế dọc sông Hồng kết nối giữa các đô thị, trung tâm dân cư, các khu du lịch sinh thái, các trung tâm văn hóa thể thao với các tuyến giao thông đối ngoại; hình thành trục không gian văn hóa cảnh quan, sinh thái tâm linh Phố Hiến - Hà Nội. Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng với 60 km đường đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, chiều rộng nền đường từ 46m đến 80m, chiều rộng mặt đường chính là 21m, chiều rộng mặt đường gom là 15m.

 

Dự án sau khi hoàn thiện sẽ tạo kết nối liên vùng, cải thiện, mở rộng cảnh quan, không gian phát triển đô thị mới, văn minh, hiện đại, khai thác lợi thế du lịch, phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng kinh tế Bắc Bộ. Hiện nay, Tập đoàn Sun Group đang tiến hành nghiên cứu, khảo sát dự án, ông Diễn cho hay.

 

Có sẵn 1000ha mặt bằng “sạch” cho nhà đầu tư

 

Nhằm tạo ấn tượng với các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI, tỉnh Hưng Yên sẵn sàng công khai, minh bạch công tác quy hoạch, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Vũ Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Hưng Yên cho biết, việc công khai, minh bạch sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, việc các doanh nghiệp lựa chọn địa phương để đầu tư sẽ tạo cơ chế “lấp đầy” giữa các địa phương với nhau, đóng góp chung vào ngân sách quốc gia.

 

Theo ông Vũ Ngọc Bảo, Hưng Yên còn nhiều dư địa cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản và tỉnh đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Tỉnh Hưng Yên có những mặt hàng nông sản đặc trưng như nhãn lồng, vải trứng, chuối tiêu hồng,… chất lượng cao. Tuy nhiên, việc xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm vẫn đang gặp khó do thiếu ngành công nghiệp chế biến tại chỗ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

 

 

Có nhiều mặt hàng nông sản đặc sắc, nhưng Hưng Yên vẫn thiếu ngành công nghiệp chế biến để nâng tầm cho nông sản địa phương này

 

Với 1000ha sẵn có mặt bằng “sạch” cho đầu tư công nghiệp, Hưng Yên có lợi thế lớn cho các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Hưng Yên ra thị trường Thế giới, nâng cao uy tín, thương hiệu cho nông sản Việt Nam nói chung, ông Bảo cho hay.

 

Hiện nay, cơ cấu thu hút đầu tư của Hưng Yên có sự chuyển dịch tích cực theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, thân thiện môi trường và hiệu quả sử dụng đất đai. Tỉnh Hưng Yên kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả, không tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết đầu tư.

 

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên cho biết, tỉnh Hưng Yên tăng cường công tác ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, kiên quyết từ chối tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nguy cơ cao ô nhiễm môi trường. Các khu công nghiệp được giám sát chặt chẽ về đầu tư xây dựng. Chỉ khi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường mới được tiếp nhận dự án và chỉ đi vào hoạt động khi hạ tầng này được vận hành chính thức.

 

Theo thống kê, đến nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 2.100 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, 1.600 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 256.671 tỷ đồng; 500 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 5.947,9 triệu USD.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang