Thứ Sáu, 29/03/2024 19:25:44 GMT+7

Tin đăng lúc 20-03-2021

Lượt xem: 1137

Du lịch Việt Nam ngóng thông điệp mới

"Hộ chiếu vaccine" đang được coi là chuyển động tích cực để những nước phụ thuộc vào du lịch sớm nối lại thị trường khách quốc tế. Tuy nhiên, trong khi nhiều nước đang ráo riết chuẩn bị để có thể đón khách sớm thì Việt Nam khá dè dặt và nghiên cứu.
Du lịch Việt Nam ngóng thông điệp mới
Du lịch là ngành có đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước

Biên giới vẫn đóng nhưng 7/10 nước của ASEAN đã đưa ra chiến dịch truyền thông, quảng bá điểm đến an toàn nhằm thu hút khách. Cơ quan xúc tiến du lịch nhiều nước đã liên lạc với doanh nghiệp Việt Nam bàn chương trình hợp tác đón khách và đưa ra thông điệp rõ ràng. Singapore với thông điệp ngắn gọn “SG clean” (Singapore sạch) - tiêu chuẩn mới đưa ra nhằm yêu cầu các cơ sở du lịch tuân thủ quy định kiểm tra nghiêm ngặt về vệ sinh và phương pháp khử trùng, cũng như biện pháp quản lý an toàn; Indonesia là I do care (chiến dịch toàn quốc với các biện pháp bảo vệ sức khỏe nhằm giúp du khách tự tin đi du lịch trở lại); Thái Lan có dự án Amazing Thailand Safety and Health Administration, trọng tâm là chuẩn bị cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch vận hành phù hợp với lối sống bình thường mới; Malaysia là Clean and Safe Malaysia (Malaysia sạch và an toàn); Philippines cũng có hướng dẫn về an toàn trong tuân thủ phòng, chống dịch tại các điểm du lịch...

 

Mới đây, Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất thiết lập Chứng nhận y tế số xanh (DGC) - một loại “hộ chiếu vaccine” để tạo điều kiện cho việc di chuyển tự do và an toàn trong nội khối trong đại dịch Covid-19. Chứng chỉ này sẽ chỉ lưu giữ những thông tin cá nhân tối thiểu, bao gồm tên họ, ngày sinh và số thẻ căn cước. Phần thông tin y tế sẽ bao gồm ngày tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, loại vaccine, kết quả xét nghiệm, hoặc xác nhận đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus. Những người có chứng chỉ này sẽ được đi lại, du lịch ở 27 nước châu Âu. Dù còn nhiều thận trọng và phải chờ được tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu chấp thuận, song việc Ủy ban châu Âu chính thức đề xuất loại hộ chiếu này được coi là dấu hiệu tích cực cho tương lai của du lịch khu vực và toàn cầu.

 

Còn tại châu Á, Israel là quốc gia đi đầu khi áp dụng Thẻ xanh thông hành để ưu tiên dịch vụ cho những người đã tiêm chủng sau khi bắt đầu mở cửa trở lại. Một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia cũng đã lên kế hoạch áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng để thúc đẩy du lịch. Trung Quốc cũng áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng kỹ thuật số…

 

Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid - 19. Hầu hết doanh nghiệp đều tuân thủ nghiêm quy định an toàn, phòng chống dịch. Việc làm này cần được cơ quan quản lý tập trung quảng bá để du khách quốc tế biết đến, song dường như chúng ta đang bỏ qua việc đưa ra thông điệp sớm với du khách nước ngoài. Trong bối cảnh hiện nay, nếu Việt Nam không nhanh hơn nữa thì có thể không kịp đón du khách trở lại.

 

Mở cửa thị trường du lịch quốc tế, "hộ chiếu vaccine" đang là đề tài nóng của ngành du lịch trong những ngày này và đã được phát tín hiệu từ chính phủ. Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương (ngày 17/3/2021), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.

 

Du lịch là ngành có đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước. Năm 2019, tổng doanh thu của ngành này đạt tới 36 tỷ USD, đóng góp hơn 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp. Tính chung trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch đạt tốc độ tăng trưởng tới 22,7%... song phải đóng băng hơn một năm bởi đại dịch Covid-19.

 

Việc dần mở lại đường bay quốc tế được nhận định là cần thiết, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo, nếu quy trình nhập cảnh không chặt chẽ, một trường hợp mang mầm bệnh vào trong nước, lây ra cộng đồng thì không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà nhiều ngành khác, gây thiệt hại kinh tế lớn. Vì vậy, Việt Nam chỉ nên công nhận "hộ chiếu vaccine" của các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có quy trình kiểm định, cấp hộ chiếu hoặc chứng chỉ tiêm vaccine Covid-19 chặt chẽ; phải đảm bảo chính xác, an toàn, dù có hộ chiếu vaccine thì sau khi nhập cảnh vẫn phải xét nghiệm bắt buộc.

 

Theo Congthuong


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang