Thứ Sáu, 29/03/2024 20:48:21 GMT+7

Tin đăng lúc 06-06-2018

Lượt xem: 1374

Dừa rớt giá, nông dân Bến Tre lao đao

Gần đây, dừa khô nguyên liệu tại tỉnh Bến Tre liên tục rớt giá và ở mức thấp nhất trong vài năm qua khiến nông dân trồng dừa gặp nhiều khó khăn. Cá biệt, một số vùng rất khó tiêu thụ do thương lái chậm thu mua nên dừa rụng đầy gốc.
Dừa rớt giá, nông dân Bến Tre lao đao

Nông dân ngán ngẩm vì giá dừa liên tục lao dốc

 

Tỉnh Bến Tre có hơn 71.000 ha trồng dừa, chiếm 50% diện tích dừa của cả nước, với hơn một triệu nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ dừa. Mấy tháng qua, giá dừa khô đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhiều nông dân bán dừa không đủ trả chi phí cho nhân công thu hoạch, phân bón, chăm sóc vườn dừa.

 

Nói về việc giá dừa xuống thấp, ông Mai Văn Tuội, ngụ xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam thở dài: “Trước Tết, thương lái thu mua dừa khô với giá hơn 100 nghìn đồng/chục (12 quả), sau đó xuống 70 nghìn đồng/chục và đến nay giảm chỉ còn 35 nghìn đồng/chục khiến nhiều gia đình trồng dừa gặp khó khăn”. Hiện tại, hơn 6.000 m2 vườn dừa của gia đình ông Tuội đã tới đợt nhưng vẫn chưa thu hoạch vì giá quá thấp. Một số buồng dừa khô, rụng xuống đất và lên mọng (mọc cây con).

 

Theo ông Tuội, sau khi thu hoạch nhà vườn sẽ bán ngay cho thương lái nếu không sẽ lên mọng làm giảm chất lượng dừa thì giá sẽ càng thấp hơn. Vì vậy, khi giá dừa khô xuống thấp, nhà vườn chỉ còn cách “neo” lại trên cây được ngày nào hay ngày ấy để chờ giá lên.

 

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam, Dương Thị Mỹ Trang cho biết, toàn huyện có khoảng 16.968 ha trồng dừa, bình quân mỗi năm cho thu hoạch khoảng 150 triệu quả. Gần đây giá dừa tương đối thấp, chỉ từ 30-40 nghìn đồng/chục nên cuộc sống người dân trồng dừa khá khó khăn. Trong thời gian qua, địa phương đã xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) để cung ứng dừa cho các công ty chế biến với giá ổn định, cao hơn so với thị trường nhưng chưa nhiều. Trong đó, có 35 vườn dừa đạt chuẩn hữu cơ được các công ty thu mua với giá cao hơn thị trường từ 10-15 nghìn đồng/chục.

 

Tại một số vườn dừa ở vùng nước lợ, mặn quả dừa nhỏ hơn thì giá càng xuống thấp, thậm chí bán không ai mua. Ông Huỳnh Công Trình, chủ vườn dừa tại xã Vang Qưới Đông, huyện Bình Đại cho biết: “Hơn một tuần nay đã tới ngày thu hoạch mà kêu thương lái bán hoài cũng chẳng thấy ai lại mua. Hiện tại thương lái chỉ đưa ra giá 22 nghìn đồng/chục, nếu trừ công thu hoạch thì nông dân chỉ còn 17 nghìn đồng/chục nên không đủ tiền công chăm sóc, phân bón cho vườn dừa chứ nói gì đến trang trải cho cuộc sống”.

 

Hiện tại, các vườn dừa tại xã Phú Vang, Vang Quới Đông, Bình Thới... huyện Bình Đại, thương lái cứ hẹn mà không thu mua vì dừa ở các điểm tập kết đã rất nhiều, nếu mua sẽ càng lỗ. Thương lái Trần Văn Triều, ngụ xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam cho biết: “Đợt này giá dừa xuống thấp nên tôi bị lỗ gần 400 triệu đồng do mua dừa vựa trong bãi. Hiện tại, thương lái chỉ mua cầm chừng và không dám vựa lại vì sợ giá sẽ tiếp tục xuống thấp”.

 

Gia đình ông Mai Văn Tuội, ngụ xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam đành để dừa lên mọng ngoài vườn vì giá quá thấp.

 

 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, Lê Văn La thông tin: “Hiện toàn huyện có 6.000 ha dừa đang cho quả nhưng thời gian gần đây giá rất thấp, khó tiêu thụ do vườn dừa ở vùng nước lợ, nước mặn nên quả nhỏ. Nếu giá này kéo dài, cuộc sống của người dân sẽ lâm vào cảnh khó khăn do kinh tế chỉ phụ thuộc vào thu nhập từ dừa”.

 

Cần có giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành dừa

 

Nếu giá dừa tiếp tục xuống thấp thì có thể nông dân sẽ tiếp tục phá dừa để trồng các loại cây trồng khác. Bởi vì, Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước, rất nhiều vùng chuyên canh nông dân chỉ sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ cây dừa. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam cho rằng: “Hiện tại, tất cả 185 xã viên trồng dừa của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do giá dừa xuống quá thấp. HTX đang đẩy mạnh sản suất để nâng giá trị quả dừa nhằm tăng giá thu mua dừa nguyên liệu cho bà con xã viên nhưng đang gặp khó về vốn đầu tư để trang bị dây chuyền máy móc”.

 

Theo ông Phương, mỗi ngày HTX chế biến khoảng một tấn cơm dừa, tương đương 2.700 quả để cung ứng cho nhà máy. Còn lại các phụ phẩm từ dừa như: vỏ, gáo, nước... đều bán lại cho thương lái chứ chưa chế biến sâu hơn. Trong khi đó, nguồn vốn của HTX rất ít nên không có khả năng đầu tư hạ bình điện cao thế, dây chuyền để có thể sản xuất sơ dừa, phân hữu cơ từ mụn dừa... nhằm nâng giá trị quả dừa, từ đó tăng giá mua cho bà con xã viên.

 

Giám đốc Sở Công thương Bến Tre, Lê Văn Khê cho rằng, qua số liệu thống kê hằng năm thì giá dừa trên thế giới những tháng đầu năm đều có xu hướng giảm và thị trường tỉnh Bến Tre cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đồng thời, từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm là mùa ăn chay của các nước Hồi giáo nên nhu cầu cơm dừa nạo sấy giảm. Trong khi đó, các nước Đông-Nam Á vào mùa thu hoạch nên giá giảm theo quy luật cung - cầu, việc xuất khẩu cơm dừa nạo sấy của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng gặp khó khăn theo. Xuất khẩu dừa trái từ đầu năm đến nay không nhiều cũng là nguyên nhân tác động đến giá dừa giảm. Theo số liệu thống kê, trong quý một năm 2018, toàn tỉnh đã thu hoạch 170 triệu quả dừa, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

 

Theo ông Khê, để ổn định thị trường, cơ quan chức năng đưa ra giải pháp xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị ngành dừa, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm dừa nhằm tạo đầu ra ổn định cho quả dừa. Đồng thời xây dựng các tổ, nhóm liên kết sản xuất dừa công nghiệp và dừa uống nước. Nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, HTX, nông dân trồng dừa, doanh nghiệp và các đơn vị tham gia trong chuỗi hướng đến phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị ngành dừa.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang