Thứ Sáu, 19/04/2024 16:27:11 GMT+7

Tin đăng lúc 17-10-2016

Lượt xem: 4542

Đưa thương hiệu “Chè Thái Nguyên” lên tầm cao mới

Trước kia, nếu cây chè là cây xóa đói giảm nghèo, thì giờ đây, cây chè đã là cây làm giàu của đại đa số những người trồng, chế biến và kinh doanh chè tại Thái Nguyên nhờ những ứng dụng tiên tiến trong chế biến, bảo quản.
Đưa thương hiệu “Chè Thái Nguyên” lên tầm cao mới

Thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, làm giàu cho chính doanh nghiệp và xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần phát triển kinh tế địa phương, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên – Sở Công Thương (Trung tâm) đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, giúp các cơ sở không ngừng phát triển, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, sản xuất thêm sản phẩm mới có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc phát triển thương hiệu “Chè Thái Nguyên”.

 

 

Năm 2016, một trong những Đề án điển hình được Trung tâm hỗ trợ là Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc trong chế biến, bảo quản chè tại Hợp tác xã (HTX) Tuyết Hương (xóm Na Long, xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) với tổng kinh phí 653 triệu đồng, trong đó, 100 triệu đồng từ kinh phí khuyến công địa phương và 553 triệu đồng từ nguồn kinh phí của đơn vị thụ hưởng. Được biết, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của HTX Tuyết Hương về việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng chè truyền thống tại địa phương, Trung tâm Khuyến công đã nghiên cứu, xem xét, đánh giá về các điều kiện sẵn có của HTX và nhận thấy rằng, việc đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất, chế biến chè ở đây là rất cần thiết. Việc hỗ trợ đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu chế biến nông sản sẽ giúp HTX sản xuất ra những sản phẩm mới có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng, đồng thời làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm chè tại Thái Nguyên. Chính vì vậy, Trung tâm hướng dẫn cơ sở chuẩn bị hồ sơ đề án theo đúng quy định, trình Sở Công Thương xem xét thẩm định, phê duyệt. Sau khi đề án được duyệt, Trung tâm đã phối hợp với HTX Tuyết Hương triển khai thực hiện đề án. Những máy móc thiết bị mới được đầu tư là: Tủ sấy AT-80 có khay đựng chè là 15 khay, trọng lượng sấy tối đa là 60 kg chè khô; Máy xào gas DM – 35 theo công nghệ Đài Loan, với ưu điểm vượt trội như: Điều chỉnh nhiệt nhanh, kịp thời, thân thiện với môi trường; an toàn thực phẩm do hạn chế được khói, bụi và gỉ sét gây ra, nước chè xanh, trong nước và thơm hơn, đặc biệt là tăng được giá trị sản phẩm so với phương pháp cũ từ 25% đến 30%, thời gian sử dụng lên đến 10 năm. Việc đầu tư thêm máy móc thiết bị không chỉ đem lại hiệu quả thiết thực cho HTX với lợi nhuận hàng năm khoảng 450 triệu đồng/năm; Giải quyết việc làm cho 14 lao động địa phương với mức lương bình quân trên 3,2 triệu đồng/người/tháng mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực chế biến nông sản của địa phương.

 

Công đoạn đóng gói chè tại HTX Tuyết Hương

 

Có thể thấy, việc Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên hỗ trợ kinh phí đã giúp cơ sở mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại trong sản xuất, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội thiết thực. Ngoài việc giúp cơ sở tiết kiệm điện năng, giảm chi phí, giảm thiểu ô nhiễm về môi trường so với phương pháp thủ công, mang lại lợi nhuận cho chính cơ sở sản xuất, còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Với sự hỗ trợ hiệu quả thiết thực như vậy từ nguồn kinh phí khuyến công, chắc chắn thương hiệu Chè Thái Nguyên sẽ được giữ gìn và ngày càng phát triển, giúp người dân trồng, chế biến và kinh doanh chè Thái Nguyên có thể làm giầu được từ cây chè, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển./.

 

Bích Ngọc


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang