Thứ Sáu, 29/03/2024 17:32:48 GMT+7

Tin đăng lúc 07-01-2023

Lượt xem: 1164

Duy trì tăng trưởng cần nâng cao năng suất lao động và phát triển bền vững

Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu theo hướng cải thiện chất lượng tăng trưởng, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, xuất khẩu thô, lao động nhân công giá rẻ và mở rộng tín dụng, từng bước ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Duy trì tăng trưởng cần nâng cao năng suất lao động và phát triển bền vững

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, nhằm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022, Chính phủ, xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ, dự kiến đặt ra một số chỉ tiêu, bao gồm tốc độ tăng NSLĐ bình quân từ 6% đến 7%/năm, tốc độ tăng NSLĐ của các vùng trọng điểm và 5 thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước, nâng cao tỷ trọng đóng góp của KHCN, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng, phấn đấu nằm trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ vào năm 2030.

 

Việc duy trì tăng trưởng dựa trên thúc đẩy NSLĐ, đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu là nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045.

 

Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: Vẫn còn những rào cản chính đối với doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy tăng NSLĐ bao gồm sự bất định khi đầu tư vào công nghệ, năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư.

 

NSLĐ của Việt Nam đang ở mức thấp, các DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 95% là DN khu vực tư nhân, đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc tiếp cận ứng dụng công nghệ mới, tăng cường năng lực quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của DN.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Mặc dù mức lao động thấp, nhưng tốc độ tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu, trong khi đó NSLĐ ở lĩnh vực xây dựng, công nghiệp thấp và không ổn định, chủ yếu cho tham gia ở phân khúc, giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng, NSLĐ ở khu vực dịch vụ giữa xu hướng tăng và thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.

 

Thực trạng NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp và chênh lệch có xu hướng gia tăng theo vùng kinh tế trọng điểm, NSLĐ không đồng đều, tập trung ở một số thành phố lớn, và chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía Nam. Đáng lưu ý, tốc độ tăng NSLĐ có xu hướng giảm dần, các địa phương trong vùng chưa phát huy hết vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng.

 

Ông Bùi Quang Tuấn – Phó GS, TS, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phân tích: Muốn tăng NSLĐ cần phải đầu tư, không có tài chính khó làm được, trong thiết kế chúng ta cũng chưa chú ý đến lợi ích của những người thực thi, nhiều cơ quan thực thi không tìm thấy lợi ích và cũng không có động cơ của mình với lợi ích chung nên thực tế là rất khó làm. Cho nên, chúng ta đặt ra các mục tiêu nhưng mà không thực hiện, hay việc đầu tư cho KHCN, đây là nhiệm vụ quan trọng nhất để cải thiện NSLĐ, từ nhiều năm nay chúng ta đã đặt ra 1,2% GDP, nhưng chúng ta mới đạt 0,5% - 0,52% GDP là quá ít so với thế giới, mặt bằng của thế giới là 2,2% GDP.

 

Quan trọng hơn cả, tư duy chính sách về mô hình hoạt động kinh tế mới đã bước đầu hoàn thiện, nhấn mạnh đến NSLĐ, đổi mới sáng tạo và động lực cho DN. Vì vậy, thể chế, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp, thực hiện các giải pháp và chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong đảm bảo thực chất và hiệu quả.

 

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu – UV thường trực UB Kinh tế Quốc hội cho rằng: Nếu như chúng ta tiếp tục tư duy theo cách cứ xây dựng một đề án, sau đó lại giao việc này cho từng Bộ, ngành trong việc triển khai và lại thiếu đi sự điều phối, sự kết nối, sự phối hợp sẽ không hiệu quả như mong đợi, điều chúng ta quan tâm ở đây là cần thiết kế cơ chế để tổ chức thực thi.

 

Những rào cản chính đối với DN trong thúc đẩy, tăng NSLĐ được chỉ ra bao gồm: Sự bất định khi đầu tư vào công nghệ, năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng còn yếu kém, lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư, yêu cầu đặt ra cho việc xây dựng chương trình quốc gia về tăng NSLĐ là một nhiệm vụ quan trọng, vừa có ý nghĩa thời sự, nhằm sớm thúc đẩy và phục hồi kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, vừa là trọng tâm chiến lược góp phần vào cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, giúp Việt Nam bắt kịp các quốc gia trong khu vực và thế giới.

 

Để nâng cao hiệu quả về tăng NSLĐ, Chính phủ đã đồng hành cùng DN, trong đó, việc đẩy mạnh đàm phán thông qua các Hiệp định thương mại tự do EVFTA để Việt Nam tham gia sâu vào các thị trường, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, tăng NSLĐ.

 

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công Thương: Việc tăng NSLĐ cần hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu, cần tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định. Các DN cần nắm bắt các quy định bao gồm cả các quy định quy tắc xuất xứ, cũng như theo dõi lộ trình cam kết của các mặt hàng, các DN sẽ tìm được cơ chế ưu đãi tốt nhất mà chúng ta có thể lựa chọn để đẩy mạnh xuất khẩu. Điều quan trọng là khi lựa chọn mức thuế như ưu đãi, chúng ta có đáp ứng được quy tắc xuất xứ hay không, có sự điều chỉnh gì về nguồn cung cũng như sản xuất, đáp ứng được quy định về quy tắc xuất xứ để có thể tận dụng cơ hội việc cắt giảm thuế quan. Ngoài ra, cần đáp ứng quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn lao động… Chẳng hạn, đối với mặt hàng gỗ, chúng ta phải quan tâm đến truy suất nguồn gốc theo quy định, đối với thủy sản cũng vậy, chúng ta đã có bài học liên quan đến thẻ vàng IUU đối với thủy sản…

 

Với mục tiêu trở thành nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, thu nhập bình quân cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập bình quân cao vào năm 2045, Việt Nam cần tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và liên tục trong những thập niên tới, trong bối cảnh dư địa cho tăng trưởng theo phương thức truyền thống, chủ yếu dựa trên quy mô lao động giá rẻ và vốn, hoặc gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên đã trở nên hạn hẹp, thì tăng NSLĐ chính là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng địa phương, từng khu vực DN.

 

Quang Vinh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang