Thứ Năm, 18/04/2024 13:25:37 GMT+7

Tin đăng lúc 23-07-2019

Lượt xem: 1920

EVFTA liệu có đạt được kỳ vọng giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”?

Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đã chính thức được kí kết vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, được kỳ vọng sẽ tạo ra con đường thông thoáng với nhiều cơ hội hợp tác mới sâu rộng cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa đôi bên. Vậy, với những nỗ lực nhập cuộc của mình, Việt Nam liệu đã sẵn sàng cho một “cuộc chơi” lớn?
EVFTA liệu có đạt được kỳ vọng giúp Việt Nam “thay da đổi thịt”?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU

EVFTA là hiệp định toàn diện chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Hiệp định gồm 17 chương, 02 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: Thương mại hàng hóa; Thương mại dịch vụ, đầu tư; Phòng vệ thương mại, cạnh tranh; Doanh nghiệp, nhà nước; Mua sắm của Chính phủ; Sở hữu trí tuệ; Thương mại và phát triển bền vững; Các vấn đề về pháp lý, thể chế.

 

EVFTA mở ra cơ hội mới hợp tác rộng lớn

 

Được đánh giá là cú hích rất lớn cho xuất khẩu Việt Nam, EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng mà Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Các ngành mũi nhọn của Việt Nam như: Gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản... đều hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Tiếp đó là các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, tin học, ô tô, hóa dầu… đều được hưởng nhiều ưu đãi theo lộ trình.

 

Cho đến nay, trong 12 FTA mà Việt Nam ký kết, EVFTA có sự khác biệt rất quan trọng, khiến Việt Nam có thể cạnh tranh được ở thị trường phát triển là châu Âu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ đến vốn và công nghệ đều đáp ứng mục tiêu chiến lược của cả hai bên.

 

Với việc xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam trong 10 năm và xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU vào Việt Nam trong giai đoạn đầu là một lợi thế mà Việt Nam có được khi EVFTA được kí kết. Ngoài ra, EVFTA cũng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030. Kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

 

Ông Denis Brunetti – Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đang tham gia các FTA với số lượng hiệp định đã kí nhiều hơn phần lớn các quốc gia trên thế giới, kể cả ASEAN hay ngoài khu vực. Kết quả, có một sự tập trung mạnh mẽ của các quốc gia và các tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư vào Việt Nam. Với sự minh bạch và đổi mới công nghệ, EVFTA mở ra cơ hội cho nông sản, viễn thông, da giày, du lịch và chế tạo máy móc của VN, qua đó giúp Việt Nam trở thành nơi sản xuất công nghệ cao của thế giới trong tương lai”.

 

Minh chứng cho những tác động rất tích cực của EVFTA đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ: 15 năm trước, Việt Nam chỉ là nước đang chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ ở mức 26 tỉ USD. Việt Nam khi đó vẫn là một đối tác thương mại nhỏ cần sự hỗ trợ của EU để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nay, với kim ngạch xuất khẩu gấp gần 10 lần so với 15 năm trước, Việt Nam cùng EU chính thức bắt tay chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế: Giai đoạn của quan hệ lâu dài, toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi trên cơ sở các quy tắc minh bạch và thông thoáng của một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới... Tuy nhiên, bước ký kết này chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới - Chặng đường đòi hỏi rất nhiều sự nỗ lực của cả Việt Nam và Liên minh châu Âu.

 

Cơ hội càng nhiều, thách thức càng lớn

 

EVFTA mang lại rất nhiều cơ hội và thuận lợi, nhưng chúng ta phải đủ năng lực, đủ hiểu biết thì mới tranh thủ được những cơ hội mang lại. Bởi, nếu không tận dụng tốt những cơ hội đang có, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

 

Để minh họa cho những thách thức đặt ra khi Việt Nam “bước chân” vào thị trường EVFTA, xin được dẫn chứng bằng một ví dụ cụ thể: Một ngư dân tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) câu được một con cá ngừ đại dương vây vàng khổng lồ nặng tới 386 kg nhưng lại chỉ được thu mua với giá rất rẻ, khoảng 35 triệu đồng bởi nguyên nhân là do khâu đánh bắt, bảo quản không đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng cá bị giảm. Trong khi đó, một con cá ngừ được bắt tại vùng biển phía bắc Nhật Bản nhỏ hơn con cá ngừ tại Việt Nam cả trăm kg, nhưng lại được mua với giá 3,1 triệu USD tương đương gần 70 tỷ đồng.

 

Sự chênh lệch về giá cả đó sâu xa chính là sự chênh lệch đẳng cấp trình độ kinh tế, bao gồm tiêu chuẩn, quy chuẩn, cách thức, kỹ năng hội nhập giữa các quốc gia. Nói như vậy để thấy, quá trình hội nhập vào EVFTA rõ ràng là cơ hội, nhưng ngược lại cũng đầy rẫy thách thức, rủi ro mà nếu không vươn lên thì Việt Nam dễ dàng đánh mất cơ hội và thị trường ngay chính sân nhà.

 

Theo một điều tra mới đây của VCCI, hiện có tới 2/3 DN dân doanh không biết, hoặc lần đầu tiên nghe nói tới Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Từ thực tế đó cho thấy, các DN Việt Nam cũng cần phải hướng đến sự thay đổi nội tại của mình, bởi nếu không, với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường quốc tế thì chúng ta cũng khó lòng đáp ứng được.

 

Theo TS.Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI): “Doanh nghiệp cần phải có năng lực cạnh tranh trong việc thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng lao động, chuyên môn, công nghiệp hóa… như vậy mới hy vọng EVFTA sẽ có nhiều động lực để đầu tư đối với Việt Nam. Hơn nữa nếu vượt qua hàng rào tiêu chuẩn EVFTA thì DN Việt sẽ có thể tự tin vào bất kể thị trường nào khác chứ không chỉ mỗi EU”.

 

Một “sân chơi” đầy hấp dẫn là điều không thể phủ nhận khi nói về EVFTA. Tuy nhiên, làm sao biến cơ hội mà EVFTA mở ra để nhân lên sức mạnh, giúp Việt Nam có thể “thay da, đổi thịt”, từ đó tạo lợi thế cho đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế là điều mà Nhà nước, chính phủ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam cần phải nắm lấy.

 

Phạm Trường


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang