Thứ Tư, 24/04/2024 23:35:42 GMT+7

Tin đăng lúc 11-06-2018

Lượt xem: 1542

EVN lần đầu nhận được hạng tín dụng tích cực của Fitch Ratings

Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến thêm một bước trên đường hướng tới mục tiêu phát hành trái phiếu bằng USD và nâng cao năng lực tài chính của mình sau khi được Cơ quan xếp hạng tín dụng thế giới Fitch Ratings xác nhận hồ sơ tín nhiệm.
EVN lần đầu nhận được hạng tín dụng tích cực của Fitch Ratings
EVN lần đầu nhận được hạng tín dụng tích cực của Fitch Ratings

Hiện nay EVN được xếp hạng nhà phát hành nợ (Issuer Default Ratings - IDR) mức “BB” với “viễn cảnh ổn định” về vay nợ dài hạn bằng ngoại tệ. Thứ hạng này của EVN tương xứng với hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và chiến lược bền vững tài chính của EVN được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ.

 

Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: “Mức tín nhiệm tích cực này giúp EVN phát hành trái phiếu quốc tế, đa dạng hóa nguồn vốn và là một sự đảm bảo cho các nhà đầu tư tiềm năng trong nước và quốc tế. Nay chúng tôi đã có cơ sở vững chắc hơn để có thể huy động vốn đầu tư các dự án điện, tăng khả năng cung ứng điện cho khách hàng tại Việt Nam…” .

 

Ban Năng lượng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ quá trình xếp hạng này thông qua các biện pháp cấp vốn và tư vấn, bao gồm chỉ định Ngân hàng Mizuho làm công tác chuẩn bị và thực hiện quá trình. Quá trình này được Quỹ hạ tầng toàn cầu (Global Infrastructure Facility - GIF) tích cực chỉ đạo và hỗ trợ. Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị vào tháng 2/2018, EVN đã chỉ định Fitch Ratings thực hiện xếp hạng.

 

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ rõ: “Mức tín nhiệm tích cực này sẽ đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân và cho vay thương mại của EVN thay đổi nhận thức về rủi ro khi ký kết các hợp đồng mua điện dài hạn cũng như hợp đồng cho vay. Mức tín nhiệm này cũng làm cho các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước yên tâm hơn với bất kỳ kế hoạch phát hành trái phiếu nào của EVN”. 

 

Kết quả xếp hạng của Fitch Ratings căn cứ vào mối quan hệ chặt chẽ của EVN với Nhà nước, vào vị thế thị trường vững chắc, mức cầu tiêu thụ điện lớn tại Việt Nam và tỉ lệ thu hồi cao. Ông Jordan Schwartz - Đồng Chủ tịch Hội đồng quản trị GIF, Giám đốc Ban Hạ tầng PPP & Bảo lãnh, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh: “Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân và giúp EVN tiếp cận thị trường vốn tốt hơn chính là những điều đang diễn ra tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng quá trình này sẽ giúp tăng cường năng lực tài chính của ngành Năng lượng Việt Nam nói riêng và của nền công nghiệp Việt Nam nói chung trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn, để cuối cùng mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và người nộp thuế về lâu dài”.

 

Có thể nói, thành công phát triển của Việt Nam trong 30 năm qua rất ấn tượng. Quá trình cải cách chính trị và kinh tế, còn gọi là “Đổi mới”, từ năm 1986 đã mang lại tăng trưởng và phát triển kinh tế với tốc độ cao, đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nước thu nhập trung bình. Kinh tế năm 2017 tăng trưởng mạnh nhờ ngành Công nghiệp chế tạo hướng tới xuất khẩu, cầu nội địa và ngành Nông nghiệp đang hồi phục dần. Tốc độ tăng trưởng 6,8% của năm 2017 là tốc độ cao nhất trong 10 năm qua. Nhờ điều kiện trong nước và quốc tế thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam trong Quý 1/2018 đã tăng trưởng mạnh nhất trong vòng một thập kỷ qua. Trong đó, GDP thực thế tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành Điện là nhân tố sống còn, hỗ trợ phát triển kinh tế bởi EVN sắp hoàn thành mục tiêu cấp điện cho toàn dân và đã giảm tổn thất kỹ thuật, thương mại, hướng tới đạt chuẩn quốc tế.

 

PV


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang