Thứ Bẩy, 20/04/2024 21:26:52 GMT+7

Tin đăng lúc 15-08-2020

Lượt xem: 1053

EVNNPT: Đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) hiện đang quản lý và vận hành 24.946 km đường dây (bao gồm 7.825 km đường dây 500 kV và 17.121 km đường dây 220 kV); 153 trạm biến áp với tổng dung lượng 87.488 MVA. Do các tuyến đường dây phải đi qua nhiều khu vực đô thị, khu dân cư, rừng núi,… nên tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp còn nhiều phức tạp. Trước thực trạng đó, những năm qua, EVNNPT đã và đang triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả để giảm thiểu thiểu số vụ vi phạm.
EVNNPT: Đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
EVNNPT tuyên truyền tới các hộ gia đình có đường dây đi qua về công tác bảo vệ hành lang lưới điện cao áp

Sau 26 năm đi vào vận hành, hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam vẫn luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả, bổ sung lượng điện năng thiếu hụt cho miền Trung và miền Nam vào các tháng mùa khô. Tuy nhiên, nhiều thời điểm, hệ thống lưới điện truyền tải vẫn phải vận hành trong tình trạng đầy tải, có lúc quá tải đã gây ra nhiều tiềm ẩn, nguy cơ sự cố. Đặc biệt, tại một số đường dây còn rất căng thẳng do tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp, mặc dù sau khi xây dựng xong đường dây 500 kV (mạch 1), các quy phạm về an toàn bảo vệ đường dây, trạm biến áp, hành lang lưới điện… đã được cơ quan chức năng ban hành tại Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

 

Nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm chủ yếu là do sự hiểu biết của một số người dân ở nhiều khu vực còn hạn chế. Ngoài ra, các hình thức xử phạt còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi này nên chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm. Mặc dù ngành Điện và các cấp chính quyền địa phương đã tuyên truyền, cảnh báo nhưng nhiều người vẫn chưa thấy hết được những thiệt hại, nguy hiểm xảy ra khi vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện. Cụ thể như, tại một số nơi vẫn xảy ra tình trạng người dân trộm cắp, tháo gỡ thanh giằng, dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ; sử dụng hạ tầng công trình lưới điện cao áp (hệ thống cột điện) vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp; thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp; lắp đặt ăng ten thu phát sóng, dây phơi, giàn giáo, biển, đèn quảng cáo không đúng quy định; trồng cây, hoặc để cây cối cao vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; đắp đất, san nền, xếp các loại vật liệu, thiết bị, hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán…

 

 

Các đơn vị truyền tải khuyến cáo người dân không trồng cây hoặc để cây cối vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không

 

Trước tình hình vi phạm hành lang tuyến ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, thời gian qua, EVNNPT đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa sự cố. Theo đó, Tổng công ty đã yêu cầu các đơn vị Truyền tải điện phối hợp với lực lượng bảo vệ đường dây 500 kV, chính quyền địa phương để tuyên truyền tới người dân về sự nguy hiểm và các nguy cơ tiềm ẩn khi đốt rừng, nương rẫy, thi công xây dựng công trình gần hành lang an toàn tuyến. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động tổ chức các đợt tuyên truyền về công tác bảo vệ hành lang lưới điện cao áp tại các trường học, xã, huyện, thị xã; lắp đặt biển báo tuyên truyền tại hàng trăm điểm, khu vực có nhiều người tập trung như: Trường học, bệnh viện, chợ, khu công cộng; tổ chức các đợt cổ động, diễu hành bằng xe, phát loa tuyên truyền để người dân không vi phạm hành lang an toàn tuyến; ký cam kết phòng chống cháy rừng với các hộ gia đình có rẫy - rừng dọc hành lang đường dây lưới điện cao áp; ký biên bản phối hợp phòng chống cháy rừng với các Hạt Kiểm lâm tại các khu vực tuyến đường dây đi qua. Ngoài ra, Tổng công ty đã phối hợp với các Đài phát thanh, Truyền hình của Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện các phóng sự về công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Do vậy, tính đến hết tháng 6/2020, số vụ vi phạm đã giảm tối thiểu 30% so với cùng kỳ năm 2019 và không để phát sinh số vụ vi phạm hành lang mới.

 

Bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp là nhiệm vụ quan trọng. Bởi nếu xảy ra sự cố đường dây, thì sẽ gây mất điện trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội. Do vậy, thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt tại các bản tin dự báo thời tiết, EVNNPT cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các cấp vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm. Đồng thời, kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng cần tăng cường chỉ đạo các Công ty Truyền tải điện tiếp tục phát tờ rơi, tặng sách/vở có in hình cảnh báo vi phạm an toàn lưới điện cao áp. Đặc biệt, EVNNPT tiếp tục ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lưới điện truyền tải với công an các tỉnh, thành phố có lưới điện truyền tải đi qua; xử lý nghiêm các vụ vi phạm; tổ chức ký cam kết phòng cháy chữa cháy với tất cả các Hạt Kiểm lâm, hộ dân có nương rẫy nằm dọc hành lang đường dây 220 kV, 500 kV đi qua.

 

    PGS.TS Cao Thị Oanh - Phó Trưởng khoa Pháp luật hình sự (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: Các hình thức xử lý vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện cao áp hiện nay tuy đầy đủ về hình thức, nhưng mức hình phạt còn nhẹ, chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi này, chưa đủ sức răn đe đối với người vi phạm dẫn đến tồn tại nhiều vụ vi phạm. Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, nhiều hành vi xâm phạm hành lang lưới điện cao áp gây hậu quả nghiêm trọng về tính mạng và tài sản, chỉ bị phạt tù cao nhất là 10 năm. Do vậy, về lâu dài và để xử lý dứt điểm tình trạng này, pháp luật cần được sửa đổi theo hướng tăng nặng tính răn đe đối với người vi phạm. Ngoài ra, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính trị để ngăn ngừa tình trạng tái diễn.

 

Tuấn Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang