Thứ Sáu, 19/04/2024 11:45:18 GMT+7

Tin đăng lúc 18-04-2020

Lượt xem: 1578

EVNNPT: Giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải được ưu tiên hàng đầu

Giảm tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) trên lưới điện truyền tải là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, trong suốt những năm qua, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã luôn chủ động trong việc triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm mục đích giảm TTĐN, qua đó góp phần nâng cao chất lượng lưới truyền tải, đáp ứng đủ điện cho phát triển KT-XH đất nước.
EVNNPT: Giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải được ưu tiên hàng đầu
Truyền tải một lượng lớn điện năng qua địa hình hình phức tạp tại nhiều vị trí cột… là nguyên nhân chính gây ra TTĐN trên lưới

Hiện nay, EVNNPT đang quản lý, vận hành gần 25.000 km đường dây (bao gồm 7.825 km đường dây 500 kV và 17.121 km đường dây 220 kV); 153 trạm biến áp (TBA) từ 220 kV đến 500 kV với tổng dung lượng đạt 87.488 MVA. Do đặc điểm các tuyến đường dây phải truyền tải một lượng lớn điện năng từ miền Bắc cho miền Trung vào miền Nam và ngược lại, cộng với địa hình hình phức tạp tại nhiều vị trí cột… nên công tác giảm TTĐN của Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, vào cao điểm các tháng mùa khô, nhiều đường dây và TBA luôn phải hoạt động trong tình trạng đầy tải, đôi khi quá tải đã tạo ra những áp lực lớn cho EVNNPT trong việc kéo giảm tổn thất.

 

Trước những khó khăn đó, thời gian qua, EVNNPT đã chủ động đề ra nhiều nhóm giải pháp mang tính đột phá trong việc giảm TTĐN và xác định tính đồng bộ, liên kết giữa các giải pháp. Theo đó, trong công tác quản lý, Tổng công ty đã củng cố và tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo giảm TTĐN trên cơ sở giao chỉ tiêu tổn thất cho từng Công ty Truyền tải. Đồng thời, có đánh giá thực hiện theo từng tháng, quý, năm và gắn kết quả thực hiện các chỉ tiêu với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Ngoài ra, đối với nhóm các giải pháp trong vận hành (chống đầy, quá tải thiết bị, sự cố và điện áp thấp), EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát mức độ mang tải và trào lưu công suất của các đường dây, máy biến áp, nhằm giảm thiểu tối đa sự cố lưới điện, không để xảy ra sự cố chủ quan; Phối hợp với các Trung tâm Điều độ xây dựng các giải pháp, phương án để tránh vận hành quá tải hoặc non tải tại các đường dây, máy biến áp và thiết bị lưới điện; Đề xuất thay thế, nâng khả năng tải các đường dây, máy biến áp thường xuyên đầy tải và có tổn thất cao.

 

Trong công tác đầu tư xây dựng, EVNNPT đã tập trung phát triển lưới điện mới, đồng thời cải tạo, chống quá tải lưới điện. Riêng năm 2019, Tổng công ty đã khởi công được 36 dự án với nhiều dự án quan trọng như: TBA 500 kV Long Thành; đường dây 500 kV Long Thành rẽ Phú Mỹ - Sông Mây; nâng công suất TBA 500 KV Nho Quan… Ngoài ra, EVNNPT cũng đã đóng điện được 43 công trình. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm như các đường dây 500 kV: Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên; Sông Mây - Tân Uyên; Sông Hậu - Đức Hòa; Phú Long - Ô Môn… và các TBA 500 kV như: Tân Uyên; Đức Hòa; Lai Châu; Tân Định; Dốc Sỏi; cùng nhiều dự án lưới điện 220 kV trọng điểm khác như: Nâng công suất TBA 220 kV Tháp Chàm; Lắp máy 02 TBA 220 kV Hàm Tân; TBA 220 kV Phan Rí… đã góp phần quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy năng lượng tái tạo khu vực Nam Trung Bộ.

 

 

Nhờ đầu tư, nâng cấp hiện đại hệ thống lưới điện truyền tải nên mức độ TTĐN của EVNNPT đã giảm dần qua các năm gần đây

 

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đó, TTĐN trên lưới điện truyền tải đã giảm theo từng năm. Điển hình từ năm 2015 đến hết năm 2019, tỉ lệ này đã giảm từ 2,34% xuống còn 2,15%; Thấp nhất kể từ khi thành lập Tổng công ty đến nay và tiệm cận với tổn thất kỹ thuật, cũng như tương đương với mức TTĐN trên lưới điện truyền tải của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Kết quả này cũng ngang bằng với chỉ tiêu năm 2020 mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho EVNNPT tại kế hoạch 05 năm, giai đoạn 2016 - 2020, qua đó góp phần tích cực giúp Tổng công ty nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống truyền tải điện.

 

Thời gian tới, để tỉ lệ TTĐN trên lưới tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp nhất có thể nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu:“Đến năm 2020 EVNNPT trở thành một trong bốn đơn vị truyền tải hàng đầu Đông Nam Á. Năm 2025 thuộc 10 nước hàng đầu châu Á và đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền tải điện”, EVNNPT đã đề ra một loạt các nhóm giải pháp. Trong đó, nổi bật là Tổng công ty sẽ triển khai thử nghiệm đề án tách nối đất dây chống sét cho một số đường dây 500 kV và 220 kV để đánh giá, phân tích sự ảnh hưởng của việc nối đất khép vòng dây chống sét đến TTĐN. Đồng thời, Tổng công ty sẽ tiếp tục trang bị các thiết bị tự động giám sát, đánh giá tình trạng thiết bị trên lưới điện truyền tải để chủ động phòng ngừa sự cố, nâng cao độ an toàn, tính liên tục và độ tin cậy vận hành lưới điện. Hiện nay, EVNNPT đã sử dụng thiết bị giám sát bản thể máy biến áp cho 04 trạm biến áp 500 kV gồm: Phú Lâm; Pleiku2; Đà Nẵng; Hiệp Hòa; Sử dụng thiết bị giám sát dầu online cho tất cả các máy biến áp 500 kV và kháng điện trên hệ thống truyền tải điện. Ngoài ra, Tổng công ty sẽ tiếp tục sử dụng dây dẫn có mức độ tổn hao thấp cho các dự án thay dây, nâng khả năng tải cho các đường dây mới và đường dây hiện hữu; Tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương và công an các cấp để bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp; Đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào quản lý vận hành và đầu tư phát triển lưới điện truyền tải…

 

Anh Tuấn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang