Thứ Sáu, 26/04/2024 06:24:36 GMT+7

Tin đăng lúc 28-12-2019

Lượt xem: 3576

EVNNPT: Phát triển lưới điện truyền tải để tạo đà cho kinh tế khu vực phía Nam đi lên

Những năm qua, cùng với cả nước, kinh tế khu vực phía Nam đang tiếp đà đi lên. Trong đó, Tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu… đóng vai trò quyết định đến nhịp độ phát triển kinh tế cả nước. Tuy nhiên, dự báo đến hết năm 2020, khu vực này có thể đối diện với nguy cơ thiếu điện.
EVNNPT: Phát triển lưới điện truyền tải để tạo đà cho kinh tế khu vực phía Nam đi lên
EVNNPT tích cực thi công và hoàn thành các dự án giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo

Đứng trước tình hình đó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã và đang tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc gấp rút xây dựng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, nhằm truyền tải điện năng từ các trung tâm nhiệt điện miền Trung, miền Nam và năng lượng tái tạo lên lưới điện quốc gia, phục vụ phát triển KT - XH đất nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng.

 

Hiện nay, nước ta đang có sự mất cân đối trong việc cung - cầu điện năng giữa các vùng miền. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, năm 2018, các tỉnh phía Nam tiêu thụ khoảng 101 tỷ kWh điện, chiếm hơn 47% tổng điện năng tiêu thụ của cả nước. Trong khi đó, nguồn cung trong khu vực này chỉ đạt gần 40% và công tác đầu tư nguồn điện tại đây đang gặp khó khăn, cũng như các tuyến đường dây truyền tải 500 kV từ miền Bắc vào đã đầy tải, có thời điểm quá tải. Do vậy, nguy cơ thiếu điện tại miền Nam là hiện hữu trong những năm tới. Khắc phục tình trạng này, nhiều dự án đường dây truyền tải, dự án năng lượng tái tạo tại khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và các dự án điện khí đang phát triển nhanh chóng, nhằm bù đắp sản lượng điện đang thiếu hụt.

 

 

Máy biến áp 220 kV - 250 MVA Tháp Chàm mới được đưa vào vận hành

 

Trước bối cảnh đó, EVNNPT đang dồn lực đẩy nhanh tiến độ và đã cho đóng điện nhiều dự án quan trọng cấp điện cho miền Nam, như các đường dây 500 kV: Sông Mây - Tân Uyên, Long Phú - Ô Môn, Sông Hậu - Đức Hòa (giai đoạn 1) và các trạm biến áp 500 kV Tân Uyên, Đức Hòa; Nâng công suất, lắp 02 máy các trạm biến áp 500 kV Tân Định, Mỹ Tho, Tân Uyên; Các đường dây 220 kV mạch 2 Đồng Hới - Đông Hà - Huế, Pleiku 2 - An Khê, Bình Long - Tây Ninh… Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đang tập trung đảm bảo đúng tiến độ thi công các dự án đường dây 500 kV mạch 3, với ba phân đoạn gồm: Đường dây 500 kV Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku 2 để có thể đóng điện trong tháng 6/2020. Ngoài ra, trong tháng 9/2019, EVNNPT cũng đã giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) tiếp tục triển khai dự án thay thế 02 máy biến áp (MBA) 220/110/22 kV - 125 MVA bằng 02 MBA 220/110/22 kV - 250 MVA, cũng như hoàn thiện hệ thống điều khiển, trang bị hệ thống đo đếm điện năng và dụng cụ phòng cháy chữa cháy phù hợp với MBA mới theo đúng quy định. 

 

Đặc biệt, EVNNPT đang tích cực chỉ đạo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB), ngoài các dự án điện đã đầu tư tại các tỉnh phía Nam, còn đảm nhiệm thi công TBA 220 kV Phan Rí và TBA 220 kV Cam Ranh đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án. Theo đó, dự án TBA 220 kV Phan Rí và đường dây đấu nối được SPMB khởi công từ ngày 28/12/2018 với quy mô lắp đặt 02 MBA 220 kV - 250 MVA, cùng các ngăn lộ và thiết bị phù hợp. Giai đoạn 1 của dự án, SPMB sẽ triển khai lắp đặt 01 MBA 220 kV - 250 MVA; phía 220 kV lắp đặt thiết bị cho 06 ngăn lộ và dự phòng vị trí cho 04 ngăn lộ; phía 110 kV lắp đặt thiết bị cho 09 ngăn lộ và dự phòng vị trí cho 09 ngăn lộ khác. Đồng thời, SPMB sẽ chuyển tiếp đấu nối vào 2 mạch đường dây 220 kV nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân với tổng chiều dài tuyến khoảng 2,5 km. Dự kiến, dự án TBA 220 kV Phan Rí và đường dây đấu nối sẽ sớm được đóng điện, qua đó góp phần giải tỏa nguồn công suất các nhà máy điện khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ lên lưới điện truyền tải quốc gia.

         

 

Ông Nguyễn Tuấn Tùng - TGĐ EVNNPT (người thứ 4 từ phải sang) kiểm tra tiến độ thi công TBA 220 kV Phan Rí

 

Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Tổng giám đốc EVNNPT cho biết: “Việc đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành đóng điện các dự án đường dây và TBA 220 - 500 kV cấp điện cho miền Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với EVNNPT. Bởi, các dự án này có vai trò giải tỏa một phần công suất của các nhà máy điện khí, nhiệt điện và năng lượng tái tạo tại khu vực Tây Nguyên, cũng như Nam Trung Bộ, qua đó góp phần đảm bảo tiêu chí N-1, cũng như nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện. Thời gian tới, để giải tỏa hết công suất các nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực này, giai đoạn 2020 - 2021, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai đầu tư thêm 12 dự án đường dây/TBA 220 kV - 500 kV. Trong đó, có 06 dự án đã nằm trong quy hoạch và 06 dự án mới được bổ sung chưa có quy hoạch”.

 

Đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, EVNNPT với vai trò là "xương sống" của hệ thống điện Việt Nam - Người giữ vững dòng điện của Tổ quốc được thông suốt đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển KT-XH. Tin rằng, với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, CBCNV-NLĐ trong việc đưa ra nhiều giải pháp quản lý, điều hành sáng tạo, khoa học, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia sẽ đảm bảo tiến độ xây dựng các công trình và đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch đã đề ra, đảm bảo cân đối cung - cầu nguồn điện nội vùng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cả nước nói chung và các tỉnh miền Nam nói riêng trong những năm tới. Qua đó, góp phần tiếp tục làm tăng năng lực vận hành lưới điện truyền tải liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia.

 

Tuấn Anh


Tag:EVNNPT

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang