Thứ Ba, 23/04/2024 18:47:45 GMT+7

Tin đăng lúc 23-09-2019

Lượt xem: 7647

EVNNPT: Ứng dụng CNTT để công tác quản lý ngày càng hoàn hảo, chuyên nghiệp hơn

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam được thành lập ngày 01/7/2008, với nhiệm vụ chính là truyền tải điện đảm bảo an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.
EVNNPT: Ứng dụng CNTT để công tác quản lý ngày càng hoàn hảo, chuyên nghiệp hơn
EVNNPT tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức về cuộc CMCN 4.0 và công nghệ mạng di động 5G

Mười một năm qua, Tổng Công ty đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, vận hành hơn 25.034 km đường dây 500 kV và 220 kV, tăng hơn 2,27 lần so với ngày đầu thành lập; hơn 153 trạm biến áp 500 kV và 220 kV với tổng dung lượng MBA khoảng 90.000 MVA, tăng hơn 04 lần về tổng dung lượng so với 11 năm trước. Hiện tại, về quy mô, hệ thống điện truyền tải do EVNNPT quản lý đã đứng thứ 3 trong các nước ASEAN; đứng thứ 8 trong 24 tổ chức truyền tải điện của châu Á về chiều dài đường dây; đứng thứ 4 các nước ASEAN và đứng thứ 11 trong 24 tổ chức truyền tải điện của châu Á về dung lượng MBA. Trong thành tích chung, ngoài những cố gắng, nỗ lực của tập thể CBCNV toàn Tổng Công ty, thì không thể không nhắc đến công tác đầu tư thiết bị, công nghệ phát triển các trạm và đường dây, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) vào các mặt hoạt động, đảm bảo cho công tác quản lý, điều hành, vận hành hệ thống truyền tải điện có sự tăng trưởng lớn về qui mô, phạm vi và khối lượng.

 

Hiện nay, EVNNPT đã xây dựng được hệ thống mạng WAN trải dài cả nước dựa trên hạ tầng cáp quang OPGW và thiết bị truyền dẫn do Tổng Công ty đầu tư trong các công trình điện. Mạng WAN có dung dung lượng lớn, hoạt động ổn định là nền tảng vững chắc để triển khai các ứng dụng phần mềm dùng chung trong toàn ENVNPT. Các ứng dụng phần mềm được dùng trong hệ thống email trao đổi công việc; Cài đặt phần mềm quản lý kỹ thuật, quản lý đầu tư xây dựng và quản trị doanh nghiệp. Tỷ lệ sử dụng phần mềm thay thế các báo cáo, hồ sơ giấy đối với các nghiệp vụ đã ứng dụng phần mềm quản lý lên đến 100%, góp phần rút ngắn thời gian tổng hợp lập báo cáo, cũng như giúp lãnh đạo các cấp tiếp cận thông tin nhanh hơn, chính xác hơn.

 

Đặc biệt, trong hệ thống quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS), từ khi phần mềm được đưa vào sử dụng chính thức đến nay đã được hơn 03 năm, hiện tại các thông tin về trạm và đường dây, công trình của EVNNPT đã được cập nhật đầy đủ thông tin lên phần mềm, đáp ứng yêu cầu quản lý kỹ thuật của EVNNPT. Phần mềm theo dõi được lý lịch, tình trạng thiết bị, quá trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thí nghiệm định kỳ; Giúp cho đơn vị quản lý có cái nhìn chính xác, tổng quan nhất về hệ thống lưới. Các thông tin khai thác trên phần mềm bao gồm: Công suất toàn hệ thống; sản lượng điện truyền tải; thông số, số lượng các máy biến áp, trạm biến áp, tụ bù, km đường dây…

 

 

Một lớp đào tạo nâng cao kỹ năng vận hành hệ thống truyền dẫn và mạng WAN của EVNNPT

 

Hệ thống phần mềm trong quản lý đầu tư xây dựng được chính thức đưa vào sử dụng tại 239 đơn vị từ tháng 10/2016, là một trong các phần mềm được đánh giá cao nhờ những tính năng mới, phù hợp với yêu cầu quản lý dự án. Tất cả các dự án đầu tư xây dựng của EVNNPT đều được cập nhật vào phần mềm, từ thông tin liên quan tới kế hoạch, đầu tư, đấu thầu, đến vật tư, giải phóng mặt bằng, thi công, thanh quyết toán hợp đồng. Lãnh đạo Tổng Công ty, các Ban và đơn vị có thể khai thác số liệu một cách dễ dàng thông qua hệ thống báo cáo của phần mềm.

 

Trong quản lý sửa chữa lớn (eSCL) thì phần mềm được xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2018. Đây là phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, giám sát tiến độ thực hiện công tác sửa chữa lớn của EVNNPT. Hiện nay, dữ liệu về sửa chữa lớn đang được các đơn vị dần cập nhật vào phần mềm, tiến tới khai thác triệt để các thông tin thông qua hệ thống báo của phần mềm.

 

Ngoài sử dụng hệ thống phần mềm trong quản lý lưới điện, EVNNPT còn ứng dụng rộng rãi phần mềm trong Hệ thống quản lý tài chính – vật tư FMIS/MMIS (ERP); Quản lý nhân sự (HRMS); Quản lý văn bản, luồng công việc (E-Office) chữ ký số… Đồng thời, tập trung xây dựng chiến lược phát triển CNTT, trong đó xác định vai trò quan trọng của CNTT trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng doanh nghiệp số. Chiến lược cũng đưa ra các giai đoạn phát triển chính là giai đoạn chuẩn bị, tạo đà (2019-2020); giai đoạn phát triển (2020-2025) và giai đoạn phát triển bền vững (sau năm 2025).

 

Theo một chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực CNTT của EVNNPT, nhằm phát triển mạnh CNTT trên cơ sở năng lực công nghệ tiên tiến, lấy định hướng bắt nhịp với các nước phát triển làm động lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã và đang nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ, triệt để và hiệu quả các công nghệ số, công nghệ thông tin, các công nghệ chủ đạo định hướng cuộc CMCN 4.0 vào mọi mặt công tác của EVNNPT và các đơn vị; Triển khai một hệ thống phần mềm lõi của EVNNPT, trong đó kết nối đến tất cả các phần mềm hiện hữu cũng như các phần mềm có kế hoạch triển khai trong thời gian tới theo các lộ trình, kế hoạch đã đưa ra. Song song đó, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu chung toàn Tổng Công ty trên tiêu chuẩn CIM là cơ sở để chuẩn hóa, thống nhất các nguồn dữ liệu có cấu trúc, định dạng khác nhau; Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật VT&CNTT dựa trên các công nghệ tiên tiến hiện đại, đồng bộ và đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ, sẵn sàng cho chuyển đổi số, kết nối clouds. Đặc biệt là, các mục tiêu/định hướng chiến lược trong truyền tải điện bao gồm: Xây dựng hệ thống truyền tải điện thông minh; số hóa TBA (digital transformation); Giám sát tình trạng vận hành thiết bị/tài sản; Dự báo phụ tải, GIS; Giám sát bản thể MBA; Giám sát dầu. Chú trọng công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin trong suốt vòng đời của hệ thống thông tin; Xem xét ứng dụng các công nghệ tiên tiến của CNTT vào lĩnh vực tự động hóa TBA, bao gồm công nghệ ảo hóa, mạng sẵn sàng cao; An toàn hệ thống thông tin để góp phần nâng cao tính sẵn sàng; An toàn hệ thống thông tin; Rút ngắn thời gian khôi phục sau sự cố; Cung cấp nhiều thông tin hơn cho công tác quản lý…

 

Hy vọng với những kết quả đạt được trong việc ứng dụng CNTT nói chung và hệ thống phần mềm nói riêng vào các hoạt động quản lý lưới điện và quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sẽ giúp cho hoạt động của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia ngày càng hoàn hảo hơn, chuyên nghiệp hơn, góp phần xứng đáng là đơn vị “xương sống” của hệ thống điện Việt Nam trong thời đại số. 

 

Lê Xuân


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang