Thứ Sáu, 19/04/2024 16:18:25 GMT+7

Tin đăng lúc 28-12-2019

Lượt xem: 1572

Festival Huế lần thứ XI: Thúc đẩy để di sản văn hóa thăng hoa

Trải qua 10 kỳ tổ chức, Festival Huế đã khẳng định thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới; phát huy giá trị bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam; trở thành nơi quy tụ, giao lưu gặp gỡ của nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Festival Huế lần thứ XI: Thúc đẩy để di sản văn hóa thăng hoa
Tham dự Festival Huế 2020, thêm cơ hội trải nghiệm giá trị độc đáo của 5 di sản được UNESCO công nhận

Từ Festival Huế 2020…

 

Từ ngày 1- 6/4/2020 sẽ diễn ra Festival Huế lần thứ XI, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế luôn luôn mới” đánh dấu chặng đường 20 năm kể từ khi Festival Huế đầu tiên được tổ chức và trở thành sự kiện văn hóa du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, có sức  hút mãnh liệt, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng, Việt Nam nói chung. Festival Huế 2020 tiếp tục khẳng định giá trị truyền thống, thương hiệu Festival Huế và là tâm điểm thu hút sự ủng hộ Huế xây dựng cũng như phát triển.

 

Quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn những vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và rất nhiều quốc gia trên thế giới, Festival Huế 2020 tiếp tục là cơ hội để quảng bá Huế - thành phố văn hóa, thành phố di sản, thành phố Festival, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Dung.

 

Trải qua 10 kỳ tổ chức, Festival Huế đã khẳng định thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới; phát huy giá trị bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam; trở thành nơi quy tụ, giao lưu gặp gỡ của nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. 

 

Cũng như những kỳ trước,  chủ đề xuyên suốt của các kỳ Festival luôn gắn với “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển” tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của Huế, mà không gian Trung tâm Đại Nội là hạt nhân, tại kỳ Festival Huế 2020 này, slogan đã mở rộng thêm - “Huế luôn luôn mới” sẽ kích thích sự khám phá, tìm tòi mới mẻ từ du khách.

 

Bởi dưới góc nhìn của ông Amadou Matar M’Bow, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, “Huế là một bài thơ về kiến trúc đô thị tuyệt tác, Huế là thành phố của sự hài hòa trọn vẹn”, câu nói đó đã phần nào khẳng định giá trị của Huế, vùng đất của di sản, cổ kính nhưng không bao giờ cũ. Khám phá Huế là khám phá bất tận, chính vì thế “Huế luôn luôn mới”.

 

Tại Festival Huế 2020 sẽ có sự góp mặt hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Trung Quốc, Israel, Pháp, Nga, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Hungary, CH Czech, Mỹ, Mexico… bên cạnh các hoạt động văn hóa, cộng đồng diễn ra liên tục như: Lễ hội Diều, Festival Khoa học, Lễ hội Bia, Hội chợ thương mại Quốc tế, Ngày hội Áo dài, giải chạy VNExpress Marathon Huế, Nhạc hội EDM quốc tế, Đại hội Phượt quốc tế… hứa hẹn mang đến thêm nhiều trải nghiệm độc đáo, thú vị cho công chúng và bạn bè quốc tế.

 

Tham gia Festival Huế cũng là cơ hội để du khách được tìm hiểu và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế cùng hai di sản văn hóa phi vật thể mà Huế đồng sở hữu: Nghệ thuật Bài Chòi, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

 

Đến thành phố du lịch – dịch vụ

 

Ông Huỳnh Tiến Đạt - Giám đốc Trung tâm Festival Huế nhấn mạnh, sau 20 năm, cơ sở vật chất phục vụ du lịch của tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc. Cơ sở hạ tầng du lịch đã tăng gấp 10 lần. Đặc biệt, trong 11 tháng đầu năm 2019, tỉnh Thừa Thiên -  Huế đã đón gần 4,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm gần 50%. Doanh thu du lịch toàn tỉnh ước đạt 4.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm trước càng chứng tỏ đến Festival Huế 2020 -  di sản văn hóa Huế sau 20 năm vẫn luôn luôn mới để quảng bá, giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế về những tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế.

 

Và Festival Huế 2020 cũng không quên gắn với các hoạt động quảng bá tuyên truyền môi trường, chương trình “Ngày Chủ nhật Xanh”, “Xây dựng thành phố xanh-sạch-sáng” để Huế mãi là đô thị cổ kính, nhưng vẫn mang nét đẹp văn minh của một di sản xanh – sạch – sáng, thành phố bốn mùa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ bền vững.

 

Đây cũng là mục tiêu xuyên suốt mà Đảng bộ và chính quyền tỉnh đang phấn đấu  nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị là xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nhưng trên nền tảng phát huy các giá trị văn hóa Huế, cũng như giá trị của cố đô Huế với tư cách là một cố đô di sản.

 

Với đặc thù riêng có, Thừa Thiên - Huế xác định rõ việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế phải trên cơ sở khai thác, kết hợp hài hòa giữa di sản - văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan  tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, vị trí cửa ngõ của Hành lang kinh tế Đông – Tây và con người Huế.

 

Ngoài ra, cần xử lý tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi, giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương. Ở chiều ngược lại, phát triển thành phố trực thuộc trung ương phải đảm bảo điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản… để Thừa Thiên - Huế trường tồn từ du lịch và dịch vụ, xứng đáng nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ!

 

Theo Thời Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang