Thứ Sáu, 29/03/2024 18:02:26 GMT+7

Tin đăng lúc 21-04-2015

Lượt xem: 4227

Giá trị làng nghề không đơn thuần là kinh tế

Nếu giá trị làng nghề chỉ đơn thuần tạo công ăn việc làm thì chỉ cần địa phương lo; nhưng đây là cả giá trị văn hóa dân tộc thì các cấp, các ngành, Nhà nước phải cùng lo.
Giá trị làng nghề không đơn thuần là kinh tế

Ông Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VGP/Hoàng Long

 

Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tại tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Công Thương, Hiệp hội các làng nghề Việt Nam tổ chức, sáng 20/4, với sự tham gia của đại diện các làng nghề, nghệ nhân 12 tỉnh, thành trong cả nước.

 

Nhiều khó khăn, lắm thách thức

 

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2014, số làng nghề và làng có nghề ở nước ta là 5.096. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748, thu hút khoảng 10 triệu lao động.

 

Mặc dù có những giá trị nổi bật về kinh tế, văn hóa, xã hội song hiện nay, làng nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn, yếu kém như chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn thấp, kém sức cạnh tranh; thị trường hạn hẹp; đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức.

 

Ngoài ra, khâu tiêu thụ cũng chưa được tổ chức tốt; thu nhập của người sản xuất thường quá thấp trong khi các khâu trung gian thu lợi lớn hơn. Việc liên kết lỏng lẻo cũng như ít trao đổi giữa các hộ sản xuất cũng là một nhược điểm lớn của các làng nghề hiện nay. Hơn nữa, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, nhiều làng nghề vẫn phải sống chung với ô nhiễm, người dân chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ giảm sút.

 

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện nay việc quản lý các làng nghề không thống nhất trong cả nước. Có nơi thì do Sở NN&PTNT quản lý, có nơi lại do Sở Công Thương, Sở KH&ĐT…

 

"Vì vậy, cần có kiến nghị Chính phủ thống nhất đầu mối quản lý cũng như có cơ chế tài chính cho làng nghề phát triển, tránh tình trạng phân tán, chồng chéo", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.

 

Gìn giữ, phát triển vì kinh tế và văn hóa đất Việt

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: làng nghề Việt Nam không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

 

“Phải chăm lo làng nghề vì kinh tế và văn hóa đất Việt. Nếu chỉ đơn thuần là tạo công ăn việc làm thì chỉ cần địa phương lo; nhưng đây là cả giá trị văn hóa dân tộc thì các cấp, các ngành, nhà nước phải cùng lo”, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.

 

Vấn đề cốt lõi để phát triển làng nghề là phải thay đổi cách thức tổ chức sản xuất trước áp lực chi phí,  môi trường và nguồn nguyên liệu.

 

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng từng hộ sản xuất sẽ không có đủ thời gian để nghiên cứu mẫu mã mới, thử ngiệm sản phẩm… nhưng nếu hình thành HTX hay liên kết với DN thì sẽ có nhân lực đủ trình độ thực hiện nghiên cứu thị trường, thiết kế mẫu mã, sản xuất thử và điều chỉnh công nghệ trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt.

 

Bên cạnh đó, việc đổi mới sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương để hỗ trợ sự phát triển làng nghề cũng hết sức quan trọng. Các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan cần ngồi lại với nhau với vai trò kết nối của MTTQ Việt Nam để giải quyết từng vấn đề tiêu biểu ở từng ngành nghề, ký kết thỏa thuận triển khai Nghị định 66/2006/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.

 

Theo Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang