Thứ Sáu, 29/03/2024 22:55:44 GMT+7

Tin đăng lúc 02-11-2016

Lượt xem: 4668

Giải pháp để phát triển CNHT cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lớn lao động và được xem là ngành sản xuất mũi nhọn, phát triển hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho doanh nghiệp dệt may đã được đưa ra nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho sự phát triển của ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.
Giải pháp để phát triển CNHT cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam
Chủ động nguồn sợi phục vụ cho ngành dệt may là bước đi vô cùng quan trọng02

Nhiều năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. Hiện tại, sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành Dệt may cũng mới chỉ tập trung chủ yếu vào các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như cúc mex, xốp, đệm bông… Các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất – chất trợ nhuộm, hoàn tất vải… đều phải nhập khẩu, bên cạnh đó tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm còn thấp. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tăng trưởng của ngành Dệt may. Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2015/NĐ – CP về phát triển CNHT đã tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong các vấn đề về vốn, đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất, góp phần tạo đà cho doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh, tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó, việc thực hiện các giải pháp dài hạn và ngắn hạn về vốn, khoa học kỹ thuật, nhân lực và phương pháp quản lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả ứng dụng CNHT trong ngành Dệt may hiện nay.

 

Cụ thể, các giải pháp ngắn hạn về vốn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ dệt may được hưởng chính sách ưu đãi trong thuê đất và quyền về sử dụng đất đai theo quy định pháp luật, có mặt bằng sản xuất phù hợp. Về khoa học kỹ thuật, sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp sản phẩm CNHT dệt may trong việc chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao mà các công ty FDI đã đầu tư vào địa phương, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và các viện nghiên cứu, trường đại học có thể nhanh chóng đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật phù hợp với điều kiện phát triển. Về nhân lực, điều tra nhu cầu tăng cường năng lực, tiến hành đào tạo nguồn nhân lực lao động trực tiếp vào quản lý kinh doanh, củng cố, hoàn thiện hệ thống đào tạo lao động phục vụ cho ngành công nghiệp phụ trợ ngành dệt may, ngoài ra còn đẩy mạnh chương trình liên kết đào tạo với các chuyên gia nước ngoài về huấn luyện và quản lý…

 

Bên cạnh đó thì một số giải pháp dài hạn được đặt ra đó là: Xây dựng cơ cấu sản xuất; tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp hoạt động trong CNHT với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin về thị trường; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành Dệt may, đặc biệt đối với khâu nhuộm, in, hoàn tất, đầu tư thiết bị và công nghệ hiện đại để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.

 

Có thể nói, Dệt may hiện là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhất Việt Nam, nó không chỉ góp phần thúc đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang công nghiệp mà còn tạo công ăn việc làm, mang đến thu nhập ổn định cho người dân. Với các giải pháp ngắn hạn và dài hạn đã đề ra, chắc chắn sẽ giúp ngành Dệt may Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững vị trí trong Top 5 nước có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

 

Nguyễn Hoa


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang