Thứ Bẩy, 20/04/2024 08:18:08 GMT+7

Tin đăng lúc 29-07-2020

Lượt xem: 1077

Giải pháp nào kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ?

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò như nguồn đầu vào cho hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước. Tăng cường kết nối doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển ngành CNHT.
Giải pháp nào kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ?
Tăng cường kết nối DN trong nước và DN FDI giúp thúc đẩy ngành CNHT phát triển

Tại TP HCM, thời gian qua đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kết nối, tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước cung cấp các sản phẩm CNHT cho các DN FDI.

 

Thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN CNHT về vốn, công nghệ, đối tác, kết nối thị trường. Cụ thể, đã ban hành các chính sách như hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian bảy năm, mức vốn vay cao nhất 200 tỷ đồng/dự án; kết nối cung cầu sản phẩm giữa DN của thành phố với các DN FDI; giúp DN nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các tập đoàn kinh tế nước ngoài. 

 

Mới đây, Công ty TNHH Techtronic Tools Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Techtronic Industries Co. Ltd - TTI) đã tổ chức Chương trình Các nhà cung cấp Việt Nam năm 2020 tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP). Tại đây, TTI trưng bày những sản phẩm CNHT mà DN này cần cung cấp thuộc 4 lĩnh vực: Phun nhựa, khuôn mẫu, điện, kim loại. Hoạt động đã thu hút sự tham gia của 300 DN, nhà cung cấp trong nước. Đã có nhiều DN đến tham gia như Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, Công ty TNHH Thiết kế chế tạo máy Nhật Minh, Công ty CP Cơ khí Vĩnh Tường… đã giới thiệu khả năng cung ứng của mình và rất tự tin trước TTI. Theo các DN, nếu được tập đoàn này chọn là nhà cung cấp họ sẽ được tham chuỗi cung ứng thế giới. Bởi TTI hiện có 12 nhà máy trên toàn cầu, 76% sản phẩm cung cấp cho thị trường Hoa Kỳ, Bắc Âu, với doanh thu hơn 7,6 tỷ USD trong năm 2019; trong đó, hơn 88% doanh thu ở mảng thiết bị điện, phụ kiện, dụng cụ lưu trữ, dụng cụ cầm tay…

 

Dự kiến, cuối năm nay, TTI sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước để cung cấp các sản phẩm CNHT chiếm 60% và phấn đấu đến năm 2024 chiếm khoảng 80% trong chuỗi cung ứng các sản phẩm CNHT cho TTI. 

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho rằng, do đại dịch Covid-19, một số DN FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguồn nguyên liệu cũng như các sản phẩm CNHT nhập khẩu, cho nên đã tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế. Đây là cơ hội để các DN CNHT trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Nắm bắt thời cơ này, các DN Việt Nam cần đầu tư dây chuyền, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt yêu cầu của các DN FDI.

 

Hiện nay, việc liên kết các doanh nghiệp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sẽ mang lại cơ hội xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện hơn, lấp đầy những khoảng trống trong ngành. Nhật Bản đang thúc đẩy các gói hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ xây dựng lại chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Nam Á sau ảnh hưởng của dịch COVID-19. Danh sách 30 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của nước này có nhà máy ở các nước Đông Nam Á đủ điều kiện để nhận hỗ trợ chuyển dịch, mở rộng nhà máy thì có một nửa là ở Việt Nam.

 

Theo Bộ Công Thương, để tạo đà cho CNHT phát triển thì một trong những hoạt động quan trọng là tăng cường công tác xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa DN CNHT với DN sản xuất đầu cuối, DN FDI. Chính vì vậy, các hoạt động kết nối trực tiếp giữa DN CNHT với DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam rất thiết thực, tạo cơ hội cho DN có điều kiện mở rộng hợp tác, trở thành nhà cung cấp cho DN FDI. Do đó, trong hai năm 2018 - 2019, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Tập đoàn Samsung triển khai Dự án Hợp tác đào tạo tư vấn viên Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng. Đã có 40 DN Việt Nam nhận sự hỗ trợ đào tạo từ Tập đoàn này và tất cả đều có kết quả rõ rệt trong cải tiến sản xuất như: Tăng năng suất ít nhất 70%, giảm khoảng 50% tỷ lệ lỗi công đoạn, tăng độ chính xác của kế hoạch sản xuất, góp phần giúp quản lý tồn kho, giao hàng, phân tích tổn thất. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã tổ chức các Hội thảo nhằm tăng cường kết nối các DN CNHT, điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI và các nhà sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa, tiếp cận các nhà cung cấp sản phẩm CNHT trong nước, tạo nền tảng cho các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp, hình thành mạng lưới các nhà sản xuất nhỏ và vừa trong nước…

 

Vậy giải pháp để tăng cường cơ hội và tạo đà kích thích sự phát triển của ngành CNHT đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà hoạch định chính sách cần xác định, những định hướng cơ bản trong việc phát triển CNHT gắn liền với quy hoạch sản xuất công nghiệp và tổ chức hệ thống thương mại, chú trọng chất lượng và hiệu quả KT-XH của hoạt động đầu tư thông qua việc hoàn thiện các thể chế, chính sách cũng như tổ chức các hoạt động thiết thực để kết nối ngành CNHT trong nước với khu vực FDI.

 

Hoa Nguyễn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang