Thứ Sáu, 29/03/2024 20:43:15 GMT+7

Tin đăng lúc 11-10-2018

Lượt xem: 1359

Giải tỏa “nút cổ chai” tại các phòng đăng ký kinh doanh từ 10/10/2018

Nghị định số 108/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/10/2018 được cộng đồng doanh nghiệp hy vọng là sẽ tạo bước đột phá trong việc cải tiến các thủ tục đăng ký kinh doanh, gỡ bỏ những điểm nghẽn lâu nay và thiết thực cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.
Giải tỏa “nút cổ chai” tại các phòng đăng ký kinh doanh từ 10/10/2018
Tạo thông thoáng trong đăng ký kinh doanh hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Lâu nay các vấn đề liên quan đến đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định số 78/2015/NĐ-CP (ngày 14/9/2015) của Chính phủ. Ghi nhận từ thực tế 3 năm thực hiện nghị định này đã nổi lên nhiều vấn đề cần được sửa đổi bổ sung trong việc hướng tới mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.

 

Giới chuyên gia ghi nhận, bên cạnh những điểm tích cực thì Nghị định 78 trong quá trình đi vào cuộc sống đã tạo ra một “nút cổ chai”, đó là vô số vướng mắc trong các thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc có không ít doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần tới phòng đăng ký kinh doanh.

 

Trong bối cảnh đó, với việc Nghị định số 108 có hiệu lực từ ngày 10/10/2018 nhằm sửa đổi một số nội dung của Nghị định 78/2015/NĐ-CP được hy vọng là sẽ giải tỏa được cái “nút cổ chai” tại các phòng đăng ký kinh doanh trên cả nước. Theo đó, Nghị định 108 quy định rất rõ việc doanh nghiệp nay không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

 

Nhiều đoanh nghiệp cho biết, ngay cả trong Nghị đinh 78 không yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu trong các mẫu hồ sơ tuy nhiên nhiều phòng đăng ký kinh doanh vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu. Nghị định 108 đã giúp giải quyết nhiều vướng mắc giữa doanh nghiệp và phòng đăng ký kinh doanh về vấn đề này.

 

Đặc biệt, Nghị định 108 cũng quy định rõ việc văn bản ủy quyền cho cá nhân thành lập doanh nghiệp theo hướng không cần công chứng, chứng thực. Quy định này lâu nay đã bị một số phòng đăng ký kinh doanh mặc nhiên coi là phải có để đẩy quả bóng rủi ro, trách nhiệm sang phía doanh nghiệp.

 

Một nội dung quan trọng của Nghị định 108 là có hướng dẫn rõ ràng về việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Theo đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có nội dung có ưu đãi cho hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp nhưng không có văn bản hướng dẫn cách thức chuyển đổi để nhận ưu đãi trong khi chính tại các phòng đăng ký kinh doanh cũng không biết cách thông tin. Nay Nghị định 108 đã có hướng dẫn về hồ sơ cụ thể đối với trường hợp này với việc chỉ cần giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế kèm theo các hồ sơ thành lập thông thường.

 

Một sửa đổi quan trọng của Nghị định 108 là cởi mở hơn với doanh nghiệp khi mở rộng kinh doanh tại những nơi không có trụ sở hoặc chi nhánh. Trước đây Nghị định 78 quy định doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh.

 

Như vậy, khi lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh, doanh nghiệp chỉ được phép khi tại nơi lập địa điểm kinh doanh đã có chi nhánh hoặc trụ sở chính. Nghị định 108 đã bỏ đi nội dung này, như vậy đã cho phép doanh nghiệp lập địa điểm kinh doanh khác tỉnh mà không cần chi nhánh.

 

Các chuyên gia đánh giá, việc thực thi các quy định mới nêu trong Nghị định 108 sẽ cho phép rút ngắn thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp đồng thời cho phép huy động thêm nhiều nguồn lực cho phát triển. Đây chính là hai trong số nhiều đích đến của các cải cách hành chính cùng việc cải thiện môi trường kinh doanh.

 

Theo báo Công Thương

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang