Thứ Năm, 25/04/2024 11:29:45 GMT+7

Tin đăng lúc 22-08-2017

Lượt xem: 22302

Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp: Bài toán khó của Chính phủ

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 vừa diễn ra, một thông điệp đáng chú ý được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2017 phải là năm có dấu ấn mạnh mẽ trong việc rà soát cơ chế, chính sách và thực hiện các giải pháp đồng bộ để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp (DN).
Giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp: Bài toán khó của Chính phủ
Thủ tướng khẳng định quyết tâm giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN

Gánh nặng thủ tục hành chính và chi phí

 

Theo thống kê, hiện nước ta có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó có 5.719 loại giấy phép con. Với số lượng nhiều như vậy thì chỉ cần một điều kiện kinh doanh phiền hà, vô lý, không phù hợp với thực tế thì cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho DN. Tuy nhiên, điều đáng nói là có những quy định đáng ra không có, vì nó làm cho thủ tục hành chính thêm phức tạp, còn DN thì tốn thêm nhiều thời gian và chi phí.

 

Cho đến thời điểm này, chi phí vẫn là gánh nặng bào mòn sức khỏe của DN, trong vô vàn các loại chi phí đầu vào thì có nhiều loại chi phí phát sinh từ quy định của các cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều báo cáo thống kê đã chỉ ra rằng, chi phí kinh doanh ở Việt Nam, về cơ bản, vẫn ở mức cao nhất trong khu vực. Điều này đang làm suy giảm rất nhiều khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam.

 

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì DN Việt Nam tương đối thiệt thòi so với các nước, cụ thể là các nước trong khu vực và ASEAN. Ví dụ về chi phí vốn, ở Việt Nam hiện nay bình quân lãi suất vay là từ 7-9%, trong khi các nước ASEAN chỉ 3-4%, có quốc gia chỉ 1-2%, hay chi phí BHXH, phí Công đoàn ở Việt Nam cũng cao nhất trong khu vực và cao gấp đôi, gấp ba so với các nước ASEAN, chiếm tới 34% tổng chi phí kinh doanh của DN. Thêm vào đó, tốc độ tăng lương tối thiểu gần đây cũng tăng từ 7-11%/năm, trong khi năng suất lao động chỉ tăng bình quân khoảng 4-5%, chi phí vận tải, logistic từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp ba lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Chi phí trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành hàng hóa XNK năm 2016 cũng là khoảng 14 nghìn tỷ đồng và 28 triệu ngày công (bao gồm ngày công làm thủ tục và chờ đợi của DN)… Qua đó cho thấy, “sức khỏe” của DN đang rất đáng lo ngại, đặc biệt là DN vừa và nhỏ (DNVVN), đấy là chưa kể đến các chi phí không chính thức, chi phí từ các thủ tục hành chính cồng kềnh.

 

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Minh Đức – Chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam hiện có hơn 90% là DNVVN, rất nhạy cảm với các chi phí. Khi chi phí tăng lên do rào cản thông thường sẽ tác động đến DNVVN và trong nhiều trường hợp, các DNVVN không có cơ hội để phát triển.

 

Làm thế nào để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp

 

 

Thủ tục hành chính và chi phí không chính thức đang là nỗi ám ảnh của các DN

 

Tại phiên họp thường kỳ vừa qua, các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng cần nhanh chóng giảm chi phí SXKD, giúp các DN cải thiện và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu các bộ trưởng cần chỉ đạo cho ngành của mình giảm bớt số điều kiện kinh doanh. Đối với các chi phí không chính thức, Thủ tướng nhấn mạnh phải công khai, minh bạch, ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính để người làm thủ tục và cán bộ làm thủ tục không gặp nhau trực tiếp. Có thể thấy, thông điệp của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là rất rõ ràng. Thế nhưng giải pháp để gỡ được nút thắt này là gì?

 

Theo ông Đậu Anh Tuấn thì giải pháp giảm chi phí cho DN là cắt giảm bớt thủ tục hành chính. Có thể duy trì giấy phép, thủ tục cấp phép cần thiết nhưng phải đơn giản hóa thủ tục, phải làm sao để quy trình minh bạch, các điều kiện cấp phép được dễ dàng hơn và cơ sở để các cán bộ thực hiện bớt nhũng nhiễu. Chính phủ nên có những tổ chức, cơ quan độc lập để giám sát quá trình này. Bên cạnh đó, các Hiệp hội DN, các tổ chức nghiên cứu có liên quan cũng có thể đưa ra các đề xuất giảm chi phí, đồng thời, vận động các cơ quan giám sát vấn đề này để làm sao nó diễn ra một cách thực chất và DN phải được thụ hưởng.

 

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay khâu phát sinh nhiều thủ tục rườm rà nhất chính là khâu thực hiện. Chính vì vậy, để xoay chuyển được tình thế thì rất cần sự quan tâm, lắng nghe của các bộ trưởng. Đặc biệt là cần thay đổi được nhận thức của bộ phận cán bộ thực hiện. Nếu thay đổi điều này chắc chắn sẽ tạo được bước nhảy vọt trong việc giảm phiền hà cho DN.

 

Có thể nói, gánh nặng chi phí đã tước đi cơ hội kinh doanh của nhiều DN. Cộng đồng DN đang kỳ vọng vào quyết tâm giảm gánh nặng chi phí cho DN của Chính phủ sẽ sớm đem lại hiệu quả thực tế cho hoạt động SXKD, trước mắt là hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và điều quan trọng là sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giảm thiểu chi phí, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng DN, ngày càng có đóng góp lớn và bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng làm thế nào để giảm được chi phí là bài toán rất khó cho Chính phủ và không phải muốn là giải quyết được ngay vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thì điều quan trọng là phải có sự thay đổi tư duy, nhận thức ở cấp thực thi chính sách trong các bộ, ngành và địa phương để hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh với năng lực cạnh tranh cao./.

 

Đức Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang