Thứ Sáu, 19/04/2024 03:51:17 GMT+7

Tin đăng lúc 05-06-2018

Lượt xem: 4413

Tản văn: Gió Lào về

Hạ về ngập ngừng gõ cửa bằng những vạt nắng tươi tắn, rực vàng. Mới sáng sớm, nắng chưa kịp ngập tràn đã nghe gió tung tẩy reo gọi. Tiếng gió rít ngoài cửa sổ, đám lá khô xào xạc ồn ào, rồi ghé qua cánh cổng hỏi thăm từng mái nhà như một lời nhắc nhở thân quen: Gió Lào đã về!
Tản văn: Gió Lào về
Ảnh minh họa

Chợt nhớ có anh bạn đồng nghiệp ngoài Bắc vào cơ quan công tác. Sau khi mở cánh cửa ra khỏi phòng điều hoà đã vội thụt cái đầu vào như gặp phải cơn gió độc: Đây có phải vùng nóng nhất nước mình không em? Cũng không biết trả lời sao cho chuẩn xác, khi mình chưa từng đặt chân hết mọi vùng, miền đất nước. Chỉ cười, nhớ tới lời đứa bạn về thăm quê “Sài Gòn cũng nắng suốt nhưng không gắt như quê mình. Nóng khủng khiếp!”.

 

Ấy vậy mà nhịp sống nơi đây vẫn thế. Không điều hoà, không quạt xịn, đôi khi còn mất điện nhưng họ vẫn bình thản với chiếc quạt mo và chiếc nón ru hời đứa cháu giấc ngủ trưa. Có lẽ ở nhà nghỉ ngơi với những con người nơi đây còn may mắn hơn những lúc trằn mình trên thửa ruộng trong mùa nắng nóng. Gió Lào về lại đúng mùa thu hoạch. Hết lúa lại sang lạc, sắn khoai. Dẫu nắng có gay gắt hơn cũng chẳng sao, lúa được phơi khô, lạc được nắng cho vào chum là lòng người nơi đây thấy nhẹ nhõm.    

 

Nắng, người ta kéo xe đi nhổ lạc cả lúc hai giờ sáng. Đến khi mặt trời hửng sáng là chú bò đã thũng thẵng kéo xe về. Trăng sáng, người ta tận dụng cả đêm để nhổ mạ và cấy lúa. Giờ giấc khoa học đã bị đổi ngược. Mà đúng hơn không biết còn thời gian nghỉ ngơi với những con người bận rộn ấy không nữa. Nhiều hôm tỉnh giấc vẫn thấy nhà hàng xóm lụi cụi đập lạc trong đêm tối. Thu hoạch xong lại tiếp tục cày, bừa để kịp cho cơn mưa xuống gieo trồng và chăm bón cho mùa sau. Cứ như vậy, quy luật đó cứ diễn ra thường xuyên. Bóng của họ vẫn còm cõi, nhỏ nhoi phơi lưng dưới nắng. Mồ hôi người nông dân vẫn chảy giữa trưa hè đổ lửa để cho miền đất đã mặn lại càng thêm chát. Để đôi khi bần thần tự hỏi: Liệu “Một hạt thóc vàng - Chín giọt mồ hôi” đã đủ?  

 

Sáng nay bắt gặp ông chú quần đùi áo cộc dắt bò đi cày ruộng. Mới một tuần không gặp mà thấy chú gầy đen đi nhiều quá. Nghe tiếng chú khề khà: “Gió Lào về biết tay nhau liền. Nắng nóng tưởng như rát bỏng cả thịt da, trách chi mấy đứa trẻ, lúc ở quê nhìn đen đúa là thế, đi học, đi làm xứ khác về đứa nào cũng phổng phao, trắng trẻo, không còn nhận ra”.

 

Giữa trưa, không gian quê lúc này im ắng hẳn, chỉ còn tiếng gió Lào ù ù thổi trên từng mái nhà. Ngồi trong nhà, hơi nóng cũng xông lên xồng xộc. Đến nỗi những chiếc quạt phải chịu thua trước sức nóng của nó, thổi ra thông thốc làn gió Lào. Lúc này mọi người thường vác nguyên cả chiếc ghế dài ra ngõ nằm dưới rặng tre hay chiếc võng cột vào gốc cây. Những người già trò chuyện, bọn nhỏ thì hồn nhiên chìm vào giấc ngủ theo tiếng lá xào xạc, tiếng gió thổi... và cả tiếng ru hời của bà.

 

Ký ức cứ tuôn chảy theo mùa gió Lào năm xưa, mỗi khi đi học về. Những cơn gió Lào thổi bỏng rát, đầy bụi, gió như thổi bạt cả xe. Cả đám đi học về muộn, đã đói bụng nhưng vẫn phải hò nhau dắt bộ vì không thắng nổi trước sức thổi của gió. Tuổi thơ cứ thế lớn dần gắn liền với những ngày hè gió Lào đầy ắp kỷ niệm như vậy. Để đến bây giờ vì cuộc sống, miếng cơm manh áo, nhiều người con phải sống xa quê mưu sinh xứ khác. Mỗi khi bắt gặp chất giọng trọ trẹ quê mình lại nhớ quay quắt miền quê hương da diết. Độ này lại thèm cả vị gió Lào vào hạ.

 

Mới hay dù nóng rát, khô khốc, nhưng gió Lào vẫn neo lại cảm xúc da diết trong mỗi phần ký ức khốn khó của những con người miền Trung.

 

                                                                                               Hoàng Nhung


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang