Thứ Bẩy, 20/04/2024 18:08:23 GMT+7

Tin đăng lúc 02-09-2019

Lượt xem: 6759

Hà Giang: Xây dựng, phát triển thương hiệu địa phương

Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh Hà Giang đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện xúc tiến thương mại hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Hà Giang: Xây dựng, phát triển thương hiệu địa phương
Ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất tại Công ty TNHH Cát Thành (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang)

Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông, lâm nghiệp, do đó, các sản phẩm đặc trưng, mang tính chủ lực của tỉnh chủ yếu là các mặt hàng nông sản như: Chè Shan tuyết, tinh dầu hồi, gạo các loại, tinh bột nghệ, chuối tiêu, đậu tương, vải thổ cẩm, rượu ngô…, tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) tích cực hoàn thiện chất lượng sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu.

 

Từ đầu năm 2019 đến nay, Công ty TNHH Cát Thành - một trong hai cơ sở thu mua và tiêu thụ nghệ tại huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) đã mua hơn 80 tấn và liên kết với người dân xã Yên Cường trồng hơn 60 ha nghệ nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Các sản phẩm chiết xuất từ cây nghệ Bắc Mê như: Tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đen, bột nghệ nguyên chất, viên nghệ vàng mật ong, viên nghệ đen mật ong, tinh dầu nghệ, cao nghệ curcumin… đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước. Với việc đầu tư nhiều máy móc hiện đại như: Máy sản xuất curcumin; máy sấy ở nhiệt độ âm... việc chiết xuất đã trở nên dễ dàng hơn, giúp cây nghệ ở Bắc Mê trở thành những sản phẩm có giá trị cao và tạo việc làm ổn định cho người dân. Anh Trần Quý Bình – Giám đốc Công ty TNHH Cát Thành cho biết: “Để có sản phẩm và tạo uy tín trên thị trường, một sản phẩm nghệ ra đời phải trải qua nhiều công đoạn, đầu tiên, nguyên liệu phải được chọn loại nghệ tốt, nghệ nếp, đưa về sơ chế, đặc biệt là phải rửa thật sạch để bụi bẩn, đất cát không còn bám trên nghệ, sau đó, cho vào say và thực hiện việc lắng lọc. Khi đã có sản phẩm thô là tinh bột nghệ, bước tiếp theo chia nguyên liệu và sử dụng máy móc để cho ra các sản phẩm hoàn chỉnh. Đây được xem là bước quan trọng trong việc điều chế các sản phẩm nghệ. Việc áp dụng máy móc hiện đại như máy sản xuất curcumin, máy sấy lạnh ở nhiệt độ âm... sẽ giúp các sản phẩm không bị biến tính, đảm bảo chất lượng...”.

 

 

Sản phẩm chè Shan tuyết Tân Bắc – một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Hà Giang

 

Chè Shan tuyết Tân Bắc cũng là một trong những sản phẩm tạo nên thương hiệu của tỉnh Hà Giang. Để không ngừng nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết Tân Bắc, chính quyền xã Tân Bắc (huyện Quang Bình) đã tập trung chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các thôn, bản vận động nhân dân mở rộng diện tích sản xuất chè theo hướng VietGAP; từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch, an toàn. Đến nay, xã đã thành lập Tổ trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại các thôn Nà Tho, Nặm Khẳm với diện tích 100 ha. Thêm nữa, xã tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán cây đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ nông nghiệp xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ đúng quy trình sản xuất VietGAP, cách ghi chép sổ sách về quá trình sinh trưởng, phát triển, thu hoạch chè... Hiện nay, sản phẩm chè Tân Bắc không chỉ được giới thiệu, bày bán tại Trung tâm Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện mà còn được trưng bày tại các hội chợ, lễ hội, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tỉnh…

 

Thời gian tới, chính quyền tỉnh Hà Giang nói chung và lãnh đạo các huyện trên địa bàn tỉnh nói riêng sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc giữ thương hiệu của các nhãn hiệu đã xây dựng; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu. Triển khai đồng bộ các giải pháp từ cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong việc quảng bá, giới thiệu và đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu các sản phẩm địa phương đến tay người tiêu dùng; quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn huyện, xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ và khu vực trung tâm các cụm xã, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm đặc trưng của các huyện đến với khách hàng…

 

Bích Ngọc


Tag:Hà Giang

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang