Thứ Sáu, 29/03/2024 17:15:55 GMT+7

Tin đăng lúc 19-07-2018

Lượt xem: 3993

Hà Nam: Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào các cụm công nghiệp

Trong những năm qua, việc hình thành và đi vào hoạt động của các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Hà Nam, góp phần giải quyết nhiều việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Hà Nam: Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào các cụm công nghiệp
Cụm công nghiệp Bình Lục

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Hà Nam có 18 CCN với tổng diện quy quy hoạch là 359 ha. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong giai đoạn vừa qua, tỉnh Hà Nam đã nỗ lực nhiều trong việc cải thiện môi trường đầu tư, ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư để thu hút được các nhà đầu tư nhằm phát triển các khu công nghiệp, CCN trên địa bàn tỉnh. Mặc dù còn tồn tại một số bất cập như: một số dự án triển khai xây dựng còn chậm so với kế hoạch; cơ sở hạ tầng của một số CCN chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư; việc thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định chưa được doanh nghiệp (DN) thực hiện một cách nghiêm túc; công tác vệ sinh môi trường của các DN trong các CCN chưa thực sự đảm bảo tốt... Nhưng nhìn chung, số lượng dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư của các dự án trong những năm gần đây vào CCN đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là việc thu hút được các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào các CCN. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 17 CCN thu hút được DN vào đầu tư với 185 dự án đăng ký đầu tư bao gồm 14 DN FDI, 171 DN và hộ kinh doanh trong nước với tổng vốn đăng ký 12.278 tỷ đồng, vốn thực hiện 6.795,9 tỷ đồng. Trong đó, có 160 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 12.000 lao động, đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

 

 

Bên trong cụm công nghiệp Bình Lục

 

Nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào các CCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Hà Nam đã đề ra những giải pháp rất cụ thể để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra, đó là: Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, là cầu nối để các nhà đầu tư đến và đầu tư vào các CCN trong tỉnh; tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư sau khi dự án được cấp phép với những điều kiện thuận lợi và các cơ chế, chính sách ưu đãi; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho quá trình phát triển, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư; tăng cường công tác truyền thông nhằm giới thiệu về tình hình phát triển các cụm CN tới các nhà đầu tư; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tổ chức tốt hơn nữa cơ chế một cửa liên thông trong việc giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký DN để tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục về đầu tư.

 

Đặc biệt, để khắc phục những hạn chế tồn tại, Sở Công Thương Hà Nam sẽ sớm xây dựng Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xây dựng quy chế phối hợp quản lý CCN, trong đó, tham mưu UBND tỉnh thống nhất đơn vị kinh doanh hạ tầng cho các CCN - TTCN chưa có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại. Nắm bắt tình hình hoạt động CCN-TTCN, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ DN về thủ tục hồ sơ cũng như trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh…

 

Với những mục tiêu và giải pháp cụ thể của mình, chắc chắn tỉnh Hà Nam sẽ thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư, qua đó, phát triển nhanh các khu công nghiệp, CCN trên địa bàn, đóng góp vào sự phát triển KT – XH của tỉnh trong thời kỳ mới./.

 

Quý Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang