Thứ Năm, 25/04/2024 14:47:31 GMT+7

Tin đăng lúc 27-09-2021

Lượt xem: 939

Hà Nam tạo động lực, hỗ trợ sản phẩm CNNT tiêu biểu phát triển

Hà Nam hiện có trên 50 sản phẩm được bình chọn là SPCNNTTB cấp tỉnh. Trong đó, có 10 sản phẩm được công nhận là SPCNNTTB cấp khu vực, cấp quốc gia. Các sản phẩm được công nhận hầu hết thuộc nghề thủ công truyền thống, như: Điêu khắc gỗ, thêu ren, dệt vải, gốm sứ… Riêng năm 2020, Hà Nam có tới 6 sản phẩm trong số 20 SPCNNTTB cấp tỉnh năm 2019 được bình chọn là SPCNNTTB cấp khu vực.
Hà Nam tạo động lực, hỗ trợ sản phẩm CNNT tiêu biểu phát triển
Sản phẩm bồn tắm gỗ của Cơ sở sản xuất Thanh Hùng (Thôn Đọi Tam, TX Duy Tiên) được bình chọn là SPCNNTTB tỉnh năm 2017

Thời gian qua, các cơ sở có SPCNNTTB trong tỉnh đã được chính quyền địa phương hỗ trợ tham gia hội chợ các vùng, miền nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư. Đối với các đơn vị có SPCNNTTB cấp khu vực được trưng bày, quảng bá thương hiệu tại các triển lãm lớn, giúp mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, một số SPCNNTTB của tỉnh đã phát triển mạnh tại thị trường trong và ngoài nước như: Cặp phao cứu sinh (Kim Bảng); sản phẩm thêu ren xã Thanh Hà (Thanh Liêm); khăn trải bàn, khăn lụa tơ tằm xã Mộc Nam (Duy Tiên); bánh đa nem làng Chều, cá kho Nhân Hậu (Lý Nhân)… 

 

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Nguyên Ngọc - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nam cho biết, trong giai đoạn 2015-2020, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, Sở Công Thương đã tổ chức 4 hội chợ, triển lãm SPCNNTTB với doanh thu bán hàng tại mỗi hội chợ đạt gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở còn tổ chức cho cơ sở CNNT tham gia các hội chợ, triển lãm tại các vùng, miền để quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Hằng năm, Sở còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, kinh doanh cho các cơ sở CNNTTB trong toàn tỉnh… Từ đó, góp phần nâng giá trị sản xuất TTCN của tỉnh giai đoạn 2015-2020 ước đạt trên 3.000 tỷ đồng/năm, giá trị xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp ước đạt trên 20 triệu USD/năm. 

 

Không chỉ được hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, phát triển thị trường, các cơ sở có SPCNNTTB còn được quan tâm, hỗ trợ thực hiện các đề án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương.

 

Trong đó có thể kể đến việc Công ty TNHH Thuận Vũ, xã Thanh Hà (Thanh Liêm) – đơn vị có sản phẩm “Phủ trải giường” được công nhận là SPCNNTTB cấp khu vực năm 2020 đã được Trung tâm Khuyến công hỗ trợ kinh phí thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng may mặc xuất khẩu”. Ông Nguyễn Thế Vũ, Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2020, Thuận Vũ đã được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia để đầu tư 70 chiếc máy may 01 kim điện tử cho năng suất cao hơn 50%. Nhờ được trang bị thêm bảng điều khiển điện tử nên có thể tự động cắt chỉ, điều chỉnh tốc độ, đường may, kiểu may, khoảng cách mũi kim… điều này đã giúp Công ty nâng cao tính chủ động trong sản xuất, tăng năng suất, giảm chi phí, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

 

Từ việc tôn vinh các SPCNNTTB đã mang lại hiệu quả thiết thực, khuyến khích, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển; giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế.

 

Huyền My


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang