Thứ Sáu, 29/03/2024 19:00:29 GMT+7

Tin đăng lúc 14-03-2020

Lượt xem: 3138

Hà Nam ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ

Giai đoạn 2016 – 2019, tỉnh Hà Nam đã thu hút được gần 200 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), chế biến, chế tạo. Trong đó, riêng số dự án thuộc lĩnh vực CNHT chiếm 46,3%; công nghiệp chế biến chiếm 22,3% và công nghiệp chế tạo, lắp ráp là 21,1%; sự phát triển này đã đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hà Nam ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ
Hà Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ chiếm 30% giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp

Thời gian qua, Hà Nam đã và đang tập trung phát triển ngành CNHT. Điển hình phải kể đến việc UBND tỉnh Hà Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách về phát triển CNHT như: Nghị Quyết số 04-NQ/TU ngày 8/4/2016 về đẩy mạnh phát triển CNHT, chế biến, chế tạo tạo nền tảng phát triển công nghiệp với tốc độ cao và bền vững giai đoạn 2016 - 2025; Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 12/01/2016 về phê duyệt đề án đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, lĩnh vực ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư của tỉnh là các ngành CNHT, công nghệ cao… đã mở đường thông thoáng cho CNHT trên địa bàn phát triển.

 

Là một doanh nghiệp có lịch sử hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ công nghiệp ô tô hơn 300 năm, Công ty TNHH Ohtsuka Sangyo Material Việt Nam (KCN Đồng Văn III) thuộc Tập đoàn Ohtsuka Sangyo Material Nhật Bản có thị phần chiếm 70% tại Nhật Bản chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp tấm lót ghế và vỏ ghế ô tô, sau hai năm hoạt động đã vượt công suất giai đoạn 1, đạt 7 triệu sản phẩm (công suất ban đầu 6 triệu sản phẩm/năm), góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu và phát triển kinh tế của tỉnh Hà Nam. Trong năm 2020, Công ty phấn đấu nâng công suất lên 10 triệu sản phẩm. 

 

Theo ông Trần Văn Kiên – Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Nam cho biết: Việc một doanh nghiệp của Nhật Bản chọn Hà Nam để đầu tư cho thấy chủ trương của tỉnh trong việc xây dựng KCN hỗ trợ Đồng Văn III để đẩy mạnh phát triển ngành CNHT là hết sức đúng đắn, đến nay đã phát huy hiệu quả và ngày càng phát triển. Hiện KCN Đồng Văn III đã cơ bản được lấp đầy giai đoạn 1 đã thể sự quyết tâm và năng động trong đổi mới định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.

 

Hiện nay, tại Hà Nam, các sản phẩm thuộc các lĩnh vực CNHT, chế biến, chế tạo khá đa dạng như: Điện tử, viễn thông, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chế biến (thịt lợn)…

 

Nhờ đẩy mạnh thu hút các dự án CNHT, chế biến, chế tạo đã nâng tầm phát triển và giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN tăng nhanh qua các năm. Giai đoạn 2016 - 2019, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN tăng bình quân trên 30%/năm. Đáng chú ý, chỉ đến năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN đã vượt mục tiêu của nghị quyết, chiếm 78,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (mục tiêu Nghị quyết đến năm 2020 chiếm 74%).

 

Hiện nay, hạ tầng các KCN tiếp tục được xây dựng hoàn thiện, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để thu hút đầu tư. Cùng với đó các dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp ngày càng được nâng cao (hệ thống điện, viễn thông, nước sạch...) và một số dịch vụ đang được triển khai đầu tư tạo thuận lợi cho phát triển của doanh nghiệp như cảng ICD, nhà ở công nhân… Đây là những thuận lợi lớn để các KCN tiếp tục tăng nhanh số lượng doanh nghiệp và giá trị công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo trong những năm tới, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) toàn tỉnh Hà Nam đạt trên 51.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

 

Trường Phạm


Tag:Hà Nam

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang