Thứ Bẩy, 20/04/2024 02:43:04 GMT+7

Tin đăng lúc 14-05-2023

Lượt xem: 432

Hà Nội gỡ “nút thắt” để phát triển nông nghiệp

Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống, thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, do những bất cập trong việc lập và triển khai quy hoạch nông nghiệp, còn nhiều chính sách của Trung ương và thành phố chưa được triển khai đầy đủ, kịp thời, vì thế nông nghiệp Thủ đô chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của mình.
Hà Nội gỡ “nút thắt” để phát triển nông nghiệp
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khảo sát cơ sở trồng rau sạch ở khu vực ngoại thành

Trang trại Hữu cơ Hoa Viên của chị Trương Kim Hoa tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất có diện tích hơn 60ha. Trước đây chị Hoa và các công nhân chỉ trồng rau sạch, từ năm 2013, trang trại chuyển hẳn sang làm nông nghiệp hữu cơ. Với diện tích lớn, đầu tư hàng trăm tỷ đồng theo mô hình rau hữu cơ, đến nay rau của trang trại Hoa Viên đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ và được người mua tin dùng.

 

Lúng túng trong triển khai các chính sách hỗ trợ

 

Mặc dù được đánh giá là một mô hình hiệu quả, thu hút nhiều người đến tham quan, học hỏi, song trang trại Hoa Viên chưa nhận được hỗ trợ từ ngân sách thành phố. Chị Trương Kim Hoa chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng và phát triển, trang trại cần được hỗ trợ từ nguồn vốn, đến giống... Tuy nhiên, do có quá nhiều thủ tục, cho nên đến nay chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ”.

 

Việc thực hiện các thủ tục vay vốn, thế chấp tài sản để đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khó khăn. 24 năm nay, gia đình ông Lê Anh Thu ở xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ làm nghề trồng hoa trên diện tích gần 5ha. Để tích tụ được 5ha này, gia đình ông phải đi thuê đất của nhiều hộ dân trong xã. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị quyết số 10/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, để nhận được hỗ trợ thì phải xác định được vị trí thửa đất để huyện xác minh vị trí đó có nằm trong vùng quy hoạch tập trung hay không. Và để làm được điều này, gia đình ông sẽ phải đi mượn, gom sổ đỏ của các hộ dân để nộp cho cơ quan chức năng, đây là điều không dễ làm.

 

Theo đánh giá của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của Trung ương và thành phố trên địa bàn còn chậm trễ, một số nội dung chưa được triển khai.

 

Có thể kể đến như: Nghị quyết số 10/2018 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành cuối năm 2018, song đến tháng 4/2020, Ủy ban nhân dân Thành phố mới hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết. Bốn chính sách trong số 12 chính sách hỗ trợ theo quy định tại nghị quyết chưa triển khai được. Nhiều năm liền Hội đồng nhân dân thành phố bố trí dự toán để thực hiện chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, song không giải ngân được phải hủy dự toán.

 

Thậm chí đến nay, thành phố chưa thu hút được doanh nghiệp nào triển khai dự án đầu tư, mặc dù Chính phủ đã có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đáng lưu ý, xu hướng nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm là một mô hình mới, được ưa chuộng trong những năm gần đây, song đến nay thành phố Hà Nội vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, trong 11 quy hoạch chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp đang được triển khai, do tốc độ đô thị hóa nhanh, cho nên phần lớn các quy hoạch này đều đã bị biến đổi, điều chỉnh, chồng lấn, có quy hoạch chưa thực hiện được.

 

Xử lý nghiêm vi phạm, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách

 

Ngày 12/5, tại phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn do Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều đại biểu đã lên tiếng cảnh báo khi thành phố vẫn còn hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hơn 4.000ha đất canh tác không hiệu quả, chỉ làm một vụ hoặc canh tác mang tính tận dụng.

 

Có một nghịch lý là trong khi rất nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô loay hoay, vì không được hướng dẫn xây dựng công trình hạ tầng để làm nông nghiệp công nghệ cao, thì lại xuất hiện rất nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, mà bị biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng. Các đại biểu đề nghị làm rõ và yêu cầu thanh tra việc xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp.

 

Hội đồng nhân dân thành phố cũng chỉ rõ nguyên nhân của các chậm trễ nêu trên là do công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, người dân tiếp cận chính sách còn hạn chế. Nhiều quy định liên quan đến phương thức tổ chức triển khai, thủ tục hành chính để tiếp cận chính sách còn rườm rà, cho nên các đối tượng thụ hưởng không muốn tham gia. Việc thực hiện các thủ tục vay vốn, thế chấp tài sản để đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong thực tế vẫn rất khó khăn.

 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội là một trong ba tỉnh, thành phố có giá trị sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, nông nghiệp ở Hà Nội chưa phát triển được như mong muốn, do cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, song thực tế công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm, việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn chưa phát huy hiệu quả, nhiều vướng mắc.

 

Đối với việc xử lý các vi phạm trên đất nông nghiệp, thành phố sẽ có cái nhìn toàn cảnh, toàn diện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, hơn hai tháng trước, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đã lập tổ công tác, sử dụng máy quay flycam trên địa bàn sáu quận, huyện ven sông Hồng, nhận diện rõ các vi phạm. Quan điểm của thành phố là sẽ xử lý nghiêm các vi phạm. Liên quan đến các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị cần rà soát kỹ càng, xây dựng đầy đủ, sớm trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét.

 

Để nâng cao hiệu quả triển khai trong thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp tại Thủ đô, thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc vai trò, ý nghĩa, yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả cao, chuyên canh tập trung, gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.

 

Thành phố tập trung hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặc biệt quan tâm xác định phương án tổ chức khu vực nông thôn, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và sớm thông tin để các địa phương và doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

 

Đặc biệt, thành phố sẽ khẩn trương rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn Thủ đô giai đoạn đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo gắn với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp để tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất, phấn đấu để Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang