Thứ Bẩy, 20/04/2024 23:11:21 GMT+7

Tin đăng lúc 04-02-2018

Lượt xem: 4392

Hà Nội: Hàng loạt cơ sở kinh doanh, sản xuất bị 'sờ gáy' trong dịp Tết

Triển khai các Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm và trong dịp Tết, lực lượng QLTT Hà Nội đã thực hiện kiểm tra 1.660 vụ, xử lý 1.543 vụ. Tổng số tiền xử lý gần 23,5 tỷ đồng
Hà Nội: Hàng loạt cơ sở kinh doanh, sản xuất bị 'sờ gáy' trong dịp Tết
Đoàn kiểm tra liên ngành của Hà Nội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề được xã hội quan tâm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Trong khi đó, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra thời gian vừa qua đã gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.

 

Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng; yếu tố môi trường tự nhiên, môi trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Trong giai đoạn 2013-2017, toàn quốc ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm làm 24.954 người mắc, 22.213 người đi viện và 130 người tử vong.

 

Nguyên nhân của thực trạng trên là do ở một số nơi chính quyền các cấp quản lý chưa nghiêm, sự nhận thức yếu kém và cố tình vi phạm của một số tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm. Trách nhiệm chính thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là ở cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm có vi phạm và một phần trách nhiệm thuộc về người tiêu dùng.

 

Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018 đang đến gần, thời gian nghỉ Tết thường kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là các thực phẩm: thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…

 

Đặc biệt, tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... vẫn diễn biến phức tạp, nếu không được kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng và các địa phương thì sẽ có nguy cơ được đưa vào tiêu thụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường (QLTT) về triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2018, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục QLTT Hà Nội ban hành và tổ chức triển khai các Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm và trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018. Kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp phòng ngừa bảo đảm an ninh trật tự, quản lý lễ hội trước, trong và sau Tết nguyên đán Mậu Tuất trên địa bàn Thành phố cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội đầu năm.

 

Vừa qua, Sở Công thương đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường, đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh kho lạnh bảo quản thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, thực phẩm chế biến; phối hợp kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ dân sinh; kiên quyết, ngăn chặn, xử lý, thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ các tỉnh về Hà Nội.

 

Đặc biệt kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm ngay tại nơi sản xuất, chế biến, các chợ truyền thống, chợ đầu mối, chợ cóc, chợ tạm, trung tâm thương mại, siêu thị, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp và kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Chủ động kiểm tra, kiểm soát hiệu quả đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công và các loại rượu không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường. Tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân năm 2018 theo Quyết định số 8921/QĐ-UBND ngày 26/12/2017 của UBND Thành phố. Trong đó, có 1 Đoàn do Sở Công Thương làm trưởng đoàn.

 

Tính đến ngày 2/2/2018, Chi cục QLTT Hà Nội đã thực hiện kiểm tra 1.660 vụ, xử lý 1.543 vụ. Tổng số tiền xử lý gần 23,5 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã kiểm tra, xử lý 251 vụ, phạt hành chính hơn 1,8 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 737,2 triệu đồng. Trong đó, đã kiểm tra 8 vụ, xử lý 7 vụ, phạt hành chính 48,5 triệu đồng đối với mặt hàng gia súc, gia cầm. Đối với mặt hàng rượu đã kiểm tra 60 vụ, xử lý 48 vụ, phạt hành chính 157,65 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 111,9 triệu đồng, tạm giữ, tịch thu 2.203 lít rượu và 210 chai rượu các loại.

 

Nguồn VietQ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang