Thứ Tư, 24/04/2024 10:48:30 GMT+7

Tin đăng lúc 25-07-2018

Lượt xem: 2760

Hà Nội hướng tới chính quyền điện tử, thành phố thông minh

10 năm sau mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đang hướng tới xây dựng chính quyền điện tử thành phố thông minh.
Hà Nội hướng tới chính quyền điện tử, thành phố thông minh
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn thông tin về kinh tế Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính.

Nghị quyết số 15/2008/QH12, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây, chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào Hà Nội là dấu mốc quan trọng tạo tiền đề để xây dựng và phát triển Thủ đô hiện đại.

 

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết số 15, trong 10 năm Hà Nội có tốc độ phát triển kinh tế ổn định ở mức cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,41% năm. Quy mô GRDP bình quân đầu người tăng 2,3 lần, thu nhập bình quân của nông dân/năm tăng 2,92 lần, thu ngân sách tăng 2,93 lần, khẳng định vị trí đầu tầu là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.

 

Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 5 năm liền. Hà Nội trở thành top 10 thành phố năng động nhất thế giới.

 

Bên cạnh phát huy những giá trị văn hóa Tràn An, văn hóa xứ Đoài. Các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngân sách đầu tư cho các huyện ngoại thành đạt 18 nghìn đồng.

 

Quy mô và diện mạo đô thị thành phố mở rộng thay đổi nhanh chóng, hiện đại, văn minh. Không gian đô thị phát triển theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Ngay khi hợp nhất, Thành phố đã tổ chức rà soát 642 đồ án, dự án trên địa bàn mở rộng, kiến nghị tiếp tục triển khai 329 đồ án, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch Hà Nội mở rộng, đề xuất dừng, giãn và hoãn chuyển đổi mục đích đầu tư không phù hợp quy hoạch. Phê duyệt 57 đồ án quy hoạch chung và phân khu; 136 đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường, các dự án hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị.

 

 

Một khu đô thị mới hình thành ở phía Đông Hà Nội

 

Nhiều dự án khu đô thị văn minh hình thành như Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao An Khánh về phía Tây; Việt Hưng, Vinhomes Riverside về phía Đông; Linh Đàm, Garmuda phía Nam; Ciputra phía Bắc… cùng với khu đô thị mới trong vành đai 3 Royal city, Times city, Trung Hòa- Nhân Chính… tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô. Thành phố đang tiếp tục phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc như dự án công viên Kim Quy, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia; kêu gọi đầu tư phát triển thành phố thông minh khu vực 2 bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài.

 

Kết cấu hạ tầng giao thông đô thị được ưu tiên tập trung đầu tư. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Trong 10 năm, hoàn thành 223 km đường xây mới: đường Láng- Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai 2 trên cao, đường vành đai Nhật Tân- Cầu Giấy, đường vành 1 Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, quốc lộ 32 Cầu Diễn, đường 5 kéo dài, quốc lộ 1 Văn Điển – Ngọc Hồi, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, quốc lộ 3 Hà Nội- Thái Nguyên, đường Cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Nhật Tân- Nội Bài.

 

Thành phố cũng đã hoàn thành 9 cầu vượt nhẹ trục thông tại các nút giao thông phức tạp, xây mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới, 68 hầm chui dân sinh. Thành phố đang phối hợp thực hiện các dự án trên địa bàn cầu Việt Trì- Ba Vì, cao tốc Hòa Lạc- Hòa Bình, tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2A… đồng thời đẩy nhanh các dự án trọng điểm: Tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn- ga Hà Nội; tuyến đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở- Vĩnh Tuy;cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Chúc Sơn, triển khai thủ tục đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị tuyến số 5, số 2 và số 3.

 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn một số dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh, ông Vũ Duy Tuấn cho biết, sau khi sáp nhập thành phố rà soát một khối lượng lớn đồ án thì trên địa bàn Mê Linh có hơn 47 dự án trước đây có chủ trương đầu tư, trong số này có 14 dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng, 19 dự án đang giải phóng mặt bằng và 13 dự án chưa giải phóng mặt bằng, 24 dự án đang triển khai xây dựng. Sau khi sáp nhập thành phố phải làm đảm bảo quy hoạch chung, phân khu nên tất cả các dự án phải dừng lại để xem xét rà soát lại đảm bảo phù hợp quy hoạch. Đến nay tất cả các quy hoạch chung của Thủ đô cũng như quy hoạch phân khu đã hoàn thành. Thành phố giao Sở Kiến trúc hướng dẫn các nhà đầu tư tổ chức triển khai các dự án. Số dự án đang còn chậm, thành phố cũng sẽ kiên quyết đối với các dự án chậm triển khai.

 

Hướng tới Chính quyền điện tử - Thành phố thông minh

 

 

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông tin về công tác xây dựng chính quyền điện tử.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, hiện thành phố đang xây dựng dữ liệu công dân và đang vận hành cơ sở dữ liệu dân cư, hàng ngày có thể bấm máy biết được bao nhiêu người sinh ra và mất đi và dân số tại thời điểm đó. Những dữ liệu dân cư được áp dụng làm sao để khai thác sử dụng cho các ngành của thành phố. Thành phố sắp tới cũngxây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, xâu dựng cơ sở dữ liệu về đất đai… những yếu tố rất cơ bản để thành phố có dữ liệu khai thác sang các lĩnh vực khác.

 

Thành phố tập trung xây dựng chính quyền điện tử, trước hết ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước. Hiện nay đang ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực dịch vụ công khá tốt, mức độ 3 và 4; Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, thủ tục hành chính, y tế, giáo dục tuyển sinh trực tuyến. Xây dựng trung tâm điều hành tập trung liên quan đến cấp cứu, cứu nạn cứu hộ, điều hành giao thông, an ninh, kết nối người lao động với sàn giao dịch việc làm trực tuyến với doanh nghiệp… nhằm mục tiêu chính quyền điện tử thành phố thông minh.

 

Ông Nguyễn Văn Phong- Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, qua 2 năm triển khai Hà Nội đạt được nhiều kết quả. Trên cơ sở đó, Thành phố đã có kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6.

 

Cụ thể, năm 2017 và 6 tháng năm 2018, Hà Nội đã sắp xếp các đơn vị hành chính sự nghiệp từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị, giảm 30,2%. Các ban quản lý dự án, từ 70 ban giảm còn 41 ban, giảm 41,4%.  Ở cấp huyện 206 đơn vị sự nghiệp giảm còn 110 đơn vị, giảm 50,3%.

 

Đối với tinh giản biên chế mỗi năm Hà Nội giảm 1,5% biên chế so với năm trước. Đây là kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, thành phố thấy rằng cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh giản bộ máy, tiếp tục hướng tới cơ cấu lại đội ngũ cán bộ của thành phố theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. “Cùng với đó, Hà Nội được Bộ Chính trị cho phép xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở các quận nội thành hiện đã đang tiến hành làm cuối năm nay sẽ có báo cáo trình Bộ Chính trị.

 

Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp ở 2 khối giáo dục đào tạo và y tế. Sau khi thí điểm ở Viện Tim và Phụ sản hiện rất nhiều bệnh viện Hà Nội đăng ký tự chủ. Đây là những tín hiệu đáng mừng Hà Nội có thể đạt cao hơn những chỉ tiêu Trung ương đề ra”, ông Phong thông tin./.

 

Theo vov


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang