Thứ Sáu, 29/03/2024 00:45:39 GMT+7

Tin đăng lúc 31-03-2023

Lượt xem: 696

Hà Nội: Kiên quyết mạnh tay với thực phẩm bẩn

Theo lực lượng chức năng Hà Nội, hiện nay tình trạng tuồn thực phẩm bẩn ra thị trường ngày càng gia tăng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc dư luận.
Hà Nội: Kiên quyết mạnh tay với thực phẩm bẩn
Lực lượng chức năng thu giữ lô thực phẩm không rõ nguồn gốc tại xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì), ngày 19/12/2022

Khoảng 5h30’ ngày 09/01, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội bất ngờ kiểm tra điểm tập kết hàng hóa trước cửa số 158 Trần Quang Khải, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

 

Thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện, thu giữ 01 tấn nầm lợn được cất giấu trong 35 bao tải, bên ngoài in chữ Trung Quốc. Dù đều là nầm động vật đã được cấp đông, nhưng quan sát bằng mắt thường có thể thấy được những tảng thịt đã chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối.

 

Vào thời điểm kiểm tra, những người đang phân loại số thực phẩm trên đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Theo lời khai ban đầu, toàn bộ số nầm được đối tượng mua với giá 70 triệu đồng. Nếu tiêu thụ trót lọt, đối tượng sẽ thu lời khoảng 5 triệu đồng.

 

Chủ số hàng trên là T.V.C.C (sinh năm 1995, ở tỉnh Hưng Yên) khai nhận, số nội tạng động vật này được thu mua trổi nổi từ nhiều nguồn trên thị trường, đang vận chuyển đi phân phối tại các chợ đầu mối, một số quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 

Trước đó, ngày 14/12/2022, Đội QLTT số 9 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện và tạm giữ 01 tấn nầm lợn và 0,8 tấn tràng trứng gà không có hóa đơn chứng từ, không đủ điều kiện làm thực phẩm cho người tại phố Xuân La (quận Tây Hồ).

 

Ngày 12/12/2022, Đội QLTT số 7 (Cục QLTT Hà Nội) tiến hành kiểm tra và tạm giữ 510 lít rượu thủ công không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại cơ sở kinh doanh rượu thủ công ở Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì). Trước đó, vào đầu tháng 12/2022, lực lượng chức năng đã kiểm tra, tạm giữ gần 1,2 tấn ức vịt và cánh gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ tại một hộ kinh doanh ở phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm…

 

Đó chỉ là một vài ví dụ nổi cộm về vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội xử lý trong thời gian qua. Điểm chung của các vụ việc này là hàng hóa tạm giữ có số lượng lớn và đều là các lô hàng 3 không: Không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc; không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định đồng thời đều có xuất xứ từ nước ngoài. Nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì khó phát hiện số hàng này là thực phẩm “bẩn”, nhưng trên tem mác cho thấy nhiều thực phẩm đã hết hạn 01 năm, thậm chí 02 năm.

 

 

Số nầm lợn đang bốc mùi trong các bao bì tiếng nước ngoài bị lực lượng chức năng thu giữ

 

Theo báo cáo đánh giá của Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), số lượng thực phẩm bẩn vẫn đang lưu hành khá phổ biến trên thị trường. Tác hại của thực phẩm kém chất lượng tác động đến xã hội rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, có thể nâng mức xử lý hình sự đối với hành vi này chứ không dừng ở việc xử phạt hành chính.

 

Đáng nói, nhiều sản phẩm xuất xứ từ nước ngoài, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định. Tem nhãn trên nhiều lô hàng cho thấy đã hết hạn 01 năm, thậm chí 02 năm. Những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây tổn thất ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

 

Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TƯ ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về "Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

 

Chương trình nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường nguồn lực, năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và thực hành về an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng, an ninh, an toàn thực phẩm; phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, chủ động xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; kiểm soát tốt an ninh, an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

 

Đồng thời, chương trình nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; duy trì, ổn định chuỗi cung thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thực phẩm được sản xuất tại Hà Nội và kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và sản phẩm thực phẩm nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

 

Chương trình hành động số 26-CTr/TU đề ra 8 giải pháp chủ yếu thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TƯ. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn thực phẩm trên địa bàn, xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách.

 

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách của thành phố về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

 

Tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với từng công đoạn của "Chuỗi cung cấp thực phẩm"; chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ… Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững.

 

Minh Phương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang