Thứ Tư, 24/04/2024 22:21:40 GMT+7

Tin đăng lúc 05-04-2019

Lượt xem: 2001

Hà Nội nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong hội nhập quốc tế

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn thành phố, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Hà Nội đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, việc triển khai quyết liệt công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cũng đã góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy phát triển thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Hà Nội nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong hội nhập quốc tế
Lực lượng chức năng TP Hà Nội tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường

Những kết quả đạt được

 

Nhờ triển khai với tinh thần quyết liệt, thường xuyên và phối hợp chặt chẽ, công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, chỉ riêng năm 2018, các lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã kiểm tra 34.835 vụ, xử lý 28.649 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; khởi tố 84 vụ với 98 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tổng thu nộp ngân sách đạt 5.567,7 tỷ đồng. Trong đó, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu lớn về các mặt hàng như thuốc lá, xì gà, cùng các vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm trong kinh doanh rượu, mỹ phẩm, xăng dầu, giống cây trồng... Đặc biệt, lực lượng chức năng còn phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào tiêu thụ tại Việt Nam qua đường tiểu ngạch, nhập lậu.

 

Bước sang năm 2019, trong đợt cao điểm kiểm tra thị trường Tết Nguyên đán 2019 (từ ngày 01/01/2019 - 30/01/2019) lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 2.403 vụ việc vi phạm, phát hiện 2.063 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả với tổng số tiền xử lý 25,175 tỷ đồng. Trong tháng 2/2019 vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã xử lý 1.373 vụ việc liên quan đến hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại, tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế và tiền bán hàng tịch thu... lên tới hơn 167,3 tỷ đồng”.

 

Vẫn diễn biến phức tạp

 

Qua số liệu thống kê trên có thể thấy hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng liên quan đến sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đáng chú ý trong vài năm trở lại đây, hiện tượng lợi dụng thương mại điện tử (TMĐT) để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày càng gia tăng.

 

Chia sẻ về vấn đề này tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại - Phát triển thị trường trong hội nhập quốc tế” diễn ra vào đầu tháng 3/2019 vừa qua, đại diện Cục QLTT Hà Nội cho biết, thời gian qua, hoạt động kinh doanh TMĐT đã có sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô với sự tham gia của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực và lợi ích mà hoạt động TMĐT mang lại thì cũng tồn tại rất nhiều vấn đề về gian lận thương mại, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp hữu hiệu. Trong năm 2018, QLTT Hà Nội đã kiểm tra 120 vụ, xử phạt vi phạm hành chính về TMĐT là 47 vụ với tổng tiền phạt là 521 triệu đồng và chuyển 01 vụ sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định.

 

Các khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc khách hàng đã thanh toán nhưng không nhận được sản phẩm, dịch vụ, hoặc sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng; Sản phẩm dịch vụ không đúng thực tế… Trong khi đó, việc thực hiện xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp gian lận cũng rất khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp “ảo” không đơn giản. Các trang website TMĐT không cung cấp địa chỉ, hoặc cung cấp địa chỉ không đúng…

 

Nguyên nhân của những bất cập này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An là do do hệ thống pháp luật của nước ta chưa đầy đủ, chồng chéo, chưa có sự thống nhất trong bối cảnh hội nhập và chưa tương thích với thông lệ quốc tế; Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định chưa rõ ràng, cụ thể… khiến việc xử lý các vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng còn gặp khó khăn, vướng mắc. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng cũng chưa thực sự chặt chẽ, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, cụ thể. Trong khi đó, năng lực, trình độ chuyên môn của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại… còn tồn tại nhiều hạn chế, một số công chức còn biểu hiện thiếu trách nhiệm, thậm chí sai phạm trong thực thi; Phương thức tác nghiệp trong bối cảnh mới còn yếu, nhất là trong bối cảnh công nghệ mới, môi trường mạng ngày càng phát triển.

 

Để nâng cao hiệu quả, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

 

Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để phù hợp với bối cảnh mới thì lực lượng QLTT cần chủ động xây dựng các kế hoạch đấu tranh sát thực tiễn, tăng cường giám sát hoạt động TMĐT, chủ động tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về hàng gian, hàng giả… Về phía các doanh nghiệp muốn bảo vệ mình cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng mới tạo được môi trường kinh doanh ổn định để phát triển.

 

Quyền Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội) Chu Xuân Kiên cho biết, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã yêu cầu các thành viên và các địa phương tiếp tục bám sát diễn biến thực tế, xác định rõ địa bàn, lĩnh vực, đối tượng và phương thức thủ đoạn hoạt động. Cùng với đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm hàng cấm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Lực lượng chức năng cũng sẽ triển khai kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng hàng hóa không bảo đảm an toàn tại các hội chợ hàng Việt, điểm du lịch, khu danh lam, thắng cảnh trên địa bàn và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm./.

 

Đức Minh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang