Thứ Bẩy, 20/04/2024 13:30:39 GMT+7

Tin đăng lúc 23-10-2017

Lượt xem: 13026

Hà Nội: Phát triển làng nghề - vẫn còn nhiều việc phải làm

Thủ đô Hà Nội được coi là cái nôi của những làng nghề thủ công, phố nghề truyền thống với những sản phẩm đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung như: Gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm); lụa tơ tằm Vạn Phúc (Hà Đông); mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ)… Sự phát triển của các làng nghề đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô.
Hà Nội: Phát triển làng nghề - vẫn còn nhiều việc phải làm
Lụa Vạn Phúc nổi tiếng xa gần

Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó, 292 làng nghề đã được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”, cùng nhiều thợ giỏi được phong tặng các danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” ngành thủ công mỹ nghệ; “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, Hà Nội là nơi có số lượng làng nghề thủ công truyền thống lớn nhất cả nước. Những làng nghề đang tồn tại và phát triển là do biết cách kết hợp yếu tố truyền thống với đầu tư công nghệ mới, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, đưa năng suất lao động và chất lượng sản phẩm tăng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó là các cụm công nghiệp làng nghề cũng hình thành và phát triển. Đặc biệt là nhờ lãnh đạo Thành phố đánh giá đúng vị trí, vai trò của các làng nghề trong công cuộc CNH – HĐH Thủ đô nên đã sớm ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp, có tính liên ngành khuyến khích bảo tồn, phát triển các làng nghề một cách bền vững.

 

Những năm gần đây, bên cạnh việc cho ra đời các sản phẩm mang tính riêng biệt, đặc thù mà chỉ ở Hà Nội mới có, một số làng nghề đang hình thành phát triển dịch vụ du lịch làng nghề như tại các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Giang Cao; làng nghề dệt lụa Vạn Phúc; tạc tượng Sơn Đồng; khảm trai Chuyên Mỹ; mây tre đan Phú Vinh, nuôi rắn Lệ Mật… Việc gắn phát triển làng nghề với du lịch cũng đã tạo điều kiện cho các làng nghề tiếp cận với khách hàng, mở rộng thị trường, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

 

Mặc dù sản phẩm của nhiều làng nghề đã khẳng định được thương hiệu của mình, nhưng hiện nay, do nhu cầu tiêu dùng thay đổi, nhiều làng nghề đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để có chỗ đứng trên thị trường. Trước hết là xuất phát điểm của kinh tế làng nghề thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng lạc hậu, thiếu đồng bộ, mặt bằng sản xuất chật hẹp, xen lẫn trong khu dân cư, khó cải thiện được môi trường; tiếp đến là khả năng thiết kế phát triển mẫu mã sản phẩm mới còn yếu, trong khi đó lại ít quan tâm đến xây dựng thương hiệu… Đáng lo ngại hơn là nhiều giá trị văn hóa của sản phẩm TCMN truyền thống dần bị mai một, những ý nghĩa văn hóa truyền thống của mỗi sản phẩm không được các thế hệ sau tiếp thu và phát huy đúng cách, dẫn đến mất bản sắc. Bên cạnh đó là rất nhiều thách thức từ việc hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà các sản phẩm TCMN của Hà Nội phải chơi cùng sân với các sản phẩm TCMN của các nước trong khu vực, dẫn đến mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

 

Có thể nói, sự phát triển của làng nghề nói chung và các làng nghề TCMN nói riêng đã góp phần tăng nhanh sản xuất công nghiệp, đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng CNH-HĐH, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động, giảm tỉ lệ hộ nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, để các làng nghề có thể tồn tại và phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thì còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi phải có sự chung tay của các cơ quan, ban ngành, địa phương và các làng nghề./.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang