Thứ Bẩy, 20/04/2024 15:25:22 GMT+7

Tin đăng lúc 28-05-2020

Lượt xem: 1269

Hà Nội: Thị trường áo chống nắng xâm hại quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu

Thực hiện Kế hoạch của BCĐ 389 Trung ương về việc tăng cường kiểm soát các đối tượng lợi dụng dịch bệnh Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát để vi phạm pháp luật, BCĐ 389 Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn ra quân kiểm tra, kiểm soát các hành vi, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, làm hàng giả, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Hà Nội: Thị trường áo chống nắng xâm hại quyền sở hữu trí tuệ và thương hiệu
Lực lượng chức năng kiểm tra áo chống nắng giả nhãn hiệu Laroma

Theo dõi trên thị trường thời gian qua có thể thấy, sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã kết thúc, thời tiết nắng nóng với cường độ cao ở khu vực miền Bắc, trong đó có thủ đô Hà Nội, một số doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư thiết kế mẫu mã sản phẩm để đưa ra thị trường các sản phẩm áo chống nắng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên các cơ sở sản xuất gia công đã tranh thủ làm giả, trục lợi bất chính. Hầu hết các sản phẩm may gia công hàng chống nắng có thiết kế sơ sài, mang thương hiệu chính hãng, nhưng đều được cắt bỏ các chi tiết nhận biết thương hiệu... Được biết, áo chống nắng là thị trường ngách của ngành dệt may và người sử dụng chủ yếu là chị em phụ nữ, áo mặc đi đường nên người mua ít quan tâm hơn đến chất lượng, tiêu chuẩn và thương hiệu.

 

Theo ông Trương Bình Minh, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 8, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thì: Tại các chợ đầu mối Ninh Hiệp - Gia Lâm, Hà Nội, nhiều chủ ki ốt bán hàng không hóa đơn, chứng từ, trong đó có nhiều loại quần, áo chống nắng nghi bị làm giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của hàng loạt các thương hiệu trong và ngoài nước. Khi kiểm tra tại một số điểm ki ốt, lực lượng chức năng đã phát hiện một số chủ đại lý kinh doanh hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ như: các hãng Chanel, Gucci, Elvis và các mặt hàng trong nước như áo chống nắng Laroma... Bước đầu chúng tôi xác định các mặt hàng không hóa đơn, chứng từ là vi phạm về quy định cam kết kinh doanh. Qua liên hệ với các thương hiệu của sản phẩm, bước đầu xác định đây là các loại hàng bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Lực lượng QLTT đã xử lý và nhắc nhở, nếu các ki ốt, quầy hàng tiếp tục vi phạm cam kết, lực lượng QLTT sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

 

 

Chị Nguyễn Bích Ngọc ở phường Bồ Đề, quận Long Biên cho biết: Sau khi mua và sử dụng áo chống nắng thương hiệu Laroma, chị thấy chiếc áo chống nắng có hiện tượng bị co giãn, khi mặc đi trên đường nắng vẫn nóng, rát, do khi mua không tìm hiểu kỹ nên chị đã mua phải hàng nhái của hãng Laroma, không những không bảo vệ sức khỏe cho bản thân, mà chị vừa mất tiền vừa gây ra tâm lý bức xúc.

 

Qua trao đổi, ông Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc Marketing của Công ty thời trang Laroma xác nhận: Các sản phẩm bày bán tại chợ Ninh Hiệp được cơ quan chức năng đưa ra nhận diện đều là hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của Laroma; Tem mác của các loại áo chống nắng làm giả của Laroma rất sơ sài, không có tem chống hàng giả, mã QR Code để khách hàng xác thực nguồn gốc sản phẩm. Quan sát bằng mắt thường, hàng áo chống nắng chính hiệu của Laroma dày hơn, có bao bì in mã QR Code và có kèm theo giấy chứng nhận chống tia tử ngoại (UVF50+) ở mức cao nhất của Viện Dệt may kiểm nghiệm đi kèm, còn các sản phẩm hàng giả không có. Áo chống nắng Laroma ngoài khả năng chống nắng như chống tia cực tím, tử ngoại, còn có khả năng diệt khuẩn.

 

Các nhà sản xuất, cùng cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua sản phẩm áo chống nắng của các thương hiệu có uy tín nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất sứ, so sánh chất liệu sản phẩm để không bị mua phải hàng nhái, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe bản thân và gia đình.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang