Thứ Sáu, 29/03/2024 21:19:51 GMT+7

Tin đăng lúc 30-06-2019

Lượt xem: 1494

Hà Nội tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phòng vệ thương mại

Thời gian qua, phòng vệ thương mại (PVTM) trở thành vấn đề rất nóng bỏng, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế. Hà Nội đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong vấn đề này.
Hà Nội tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phòng vệ thương mại
Ngành thép đứng trước áp lực bị áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại

Ngày 28/3/2019, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”. Chương trình nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp PVTM để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam cần gắn liền với chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PVTM tới các doanh nghiệp; tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề pháp lý nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia vào các vụ việc PVTM. Hiện, Bộ Công Thương thực hiện Đề án tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để dự báo, cảnh báo nguy cơ các nước áp dụng PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường các nước cũng như nghiên cứu và nắm bắt thị trường Việt Nam.

 

Mấy năm gần đây, Việt Nam cũng đã chú trọng đến việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Có thể kể tới như: Vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ năm 2013; vụ kiện chống bán phá giá thép mạ (tôn mạ) năm 2016; điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc năm 2016… Mới đây nhất, ngày 16/4/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 940/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ván gỗ công nghiệp (ván gỗ MDF) có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia nhập khẩu vào Việt Nam.    

 

Là trung tâm kinh tế của cả nước, Hà Nội đã có nhiều hoạt động phong phú hỗ trợ doanh nghiệp chủ động PVTM, nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước những tác động của hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi hội thảo hỗ trợ cho doanh nghiệp về thông tin, kiến thức về PVTM, tập huấn giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình, tác động của công cụ PVTM đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, phát hành cuốn sổ tay Cẩm nang Hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, để PVTM hiệu quả, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về quy trình, tác động của công cụ PVTM đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng mình; tự bảo vệ bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM; nắm bắt thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.

 

Phòng vệ thương mại không phải là việc của từng doanh nghiệp riêng lẻ mà là chiến lược hành động của cả một ngành sản xuất sản phẩm nội địa liên quan và để sử dụng công cụ PVTM hiệu quả, doanh nghiệp phải tập hợp với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam hơn lúc nào hết cần phải liên kết chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh, trong vận động chính sách cho ngành…

 

Phương Minh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang