Thứ Sáu, 29/03/2024 20:23:04 GMT+7

Tin đăng lúc 02-04-2019

Lượt xem: 4068

Hà Nội xác định rõ các địa bàn, khu vực trọng điểm về hàng hóa giả mạo

Mới đây, dự báo diễn biến thị trường và vấn nạn hàng giả, hàng nhái còn nhiều phức tạp, Cục Quản lý Thị trường thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch số 04/KH-QLTTHN về “Triển khai công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019”, xác định rõ các địa bàn, khu vực trọng điểm về hàng hóa giả mạo, cần tập trung xây dựng chương trình kiểm tra xử lý.
Hà Nội xác định rõ các địa bàn, khu vực trọng điểm về hàng hóa giả mạo
Nhiều tuyến phố ở Hà Nội bị lưu ý về trọng điểm hàng giả, hàng nhái

Cụ thể là các tuyến phố, chợ, khu vực trọng điểm như:

 

- Các tuyến phố chuyên doanh thương mại bày bán các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng... như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bồ, Hàng Dầu, khu vực chợ Đồng Xuân, tuyến phố đi bộ (quận Hoàn Kiếm), Cầu Giấy, Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa), Bà Triệu, phố Huế (quận Hai Bà Trưng)…

 

- Các khu vực chợ, trung tâm thương mại như: Các khu vực phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ sinh viên, chợ Xanh (quận Cầu Giấy), chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chợ Long Biên (quận Ba Đình)…

 

- Khu vực làng nghề, các điểm, cụm công nghiệp tập trung có dấu hiệu sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp như: La Phù, Minh Khai, Dương Liễu (huyện Hoài Đức), Tiền Phong (huyện Thường Tín), làng nghề Thao Nội (huyện Phú Xuyên), Đình Xuyên (huyện Gia Lâm)...

 

Theo đó, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp có hàng hóa, nhãn hiệu bị xâm phạm cần phải nâng cao trách nhiệm của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm; thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhập, bổ sung các kỹ năng, dấu hiệu nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả cho cán bộ, lực lượng Quản lý thị trường để nâng cao hơn nữa kết quả công tác.

 

Trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay, ông Chu Xuân Kiên - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cũng cho biết thêm, tại Hà Nội, hàng giả, vi phạm SHTT không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau, chủ yếu qua đường tiểu ngạch, nhập lậu. Đặc biệt là các loại hàng hóa đã được thị trường chấp nhận, hàng hóa có nhãn hiệu như: quần áo, giày dép nhãn hiệu Nike, Adidas, Lacoste...; hàng thời trang: Louis Vuitton (LV), Gucci...; nước hoa, hóa mỹ phẩm Chanel, Lancome; đồ điện tử: Panasonic, Canon, Sanyo; Điện thoại di động Samsung, Apple,.... Tất cả đều được đặt làm giả từ nước ngoài rồi nhập lậu, đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Trong năm 2018 và đầu năm 2019, Cục Quản lý Thị trường TP Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm; Phạt hành chính hàng chục tỷ đồng...

 

Hà Nam

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang