Thứ Tư, 24/04/2024 16:27:22 GMT+7

Tin đăng lúc 05-01-2018

Lượt xem: 3675

Hà Nội: Xử lý hơn 26.000 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Trong năm 2017, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội xử lý hơn 26.000 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Hà Nội: Xử lý hơn 26.000 vụ buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Trong năm 2017, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389/TP Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 35.832 vụ, xử lý 26.143 vụ (tăng 2.554 vụ xử lý so với cùng kỳ năm 2016); khởi tố 91 vụ đối với 118 đối tượng. Tổng thu nộp ngân sách 3.954 tỷ 246 triệu đồng. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

 

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, các đối tượng kinh doanh lợi dụng chính sách hải quan thông thoáng phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế để gian lận thương mại như nhập lậu hàng hóa qua các cửa khẩu kê khai hải quan (cửa khẩu Quảng Ninh, Hải Phòng); áp giá mã hàng sai...; thường xuyên thay đổi cung đường, tuyến đường, thời gian, địa điểm xuất hàng và tập kết hàng hóa khác nhau nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

 

Ngoài việc làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam; mua lại một số mặt hàng hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng để tẩy xóa, sửa lại nhằm kéo dài hạn sử dụng đưa ra thị trường tiêu thụ và ở các vùng sâu, vùng xa ngoại thành Hà Nội.

 

Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện có chung ý kiến, nhiều cơ sở kinh doanh để đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra đã sử dụng việc ghi hóa đơn thấp hơn nhiều so với giá trị hàng hóa thực tế để hợp thức lô hàng bị kiểm tra, khiến lực lượng chức năng thiếu căn cứ để xử lý. Bên cạnh đó, một số chủ sở hữu nhãn hiệu còn thiếu sự phối hợp thường xuyên với cơ quan chức năng nên việc cung cấp thông tin về hàng thật, hàng giả còn chưa kịp thời.

 

Để kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện vi phạm, ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề nghị, các lực lượng chủ động phối hợp, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu. Thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh làm ăn chân chính.

 

Cùng với đó, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy chế phối hợp trong việc kiểm tra, kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2018, trước mắt là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng BCĐ 389 Hà Nội và giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018.

 

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng thuộc Hà Nội, giữa các lực lượng chức năng Hà Nội với các lực lượng chức năng Trung ương và các tỉnh khác (đặc biệt là các tỉnh biên giới) để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả....

 

Về các vụ việc điển hình, vào giữa tháng 11/2017, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra điểm tập kết hàng hóa thuộc Công ty TNHH ATI Việt Trung tại Khu công viên Thể thao cây xanh Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội).

Giám đốc Công ty là người Trung Quốc. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hang hóa là đồ kim khí các loại không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa; phạt hành chính 90 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, đồng thời, tịch thu toàn bộ hàng hóa có trị giá khoảng 709 triệu đồng.

Cũng trong năm 2017, Phòng PC46 (Công an Hà Nội) đã khám phá chuyên án 179-H do Phạm Văn Hùng (quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu buôn lậu hàng hóa là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam. Tổng số máy, thiết bị đã qua sử dụng là 396 máy, thiết bị và hàng nghìn chi tiết linh kiện máy cơ khí. Tổng giá trị hàng hóa lên tới 34 tỷ đồng.

 

Nguồn VietQ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang