Thứ Sáu, 29/03/2024 21:53:14 GMT+7

Tin đăng lúc 21-04-2020

Lượt xem: 1350

Hà Tĩnh nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về các sản phẩm nông nghiệp, thủ công, chăn nuôi..., thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đưa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu.
Hà Tĩnh nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp
Doanh số bán hàng của nhiều cơ sở kinh doanh ở Hà Tĩnh tăng trưởng sau khi tham gia chương trình OCOP. Trong ảnh: Sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà.

Thay đổi thói quen sản xuất

 

Gắn bó với nghề sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống từ lâu, tuy nhiên phải đến năm 2018, sau khi thành lập Hợp tác xã (HTX) Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng thì cơ sở chế biến nước mắm Luận Nghiệp (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh) mới mở rộng quy mô sản xuất và hoạt động như một doanh nghiệp.

 

Theo Giám đốc HTX Ðặng Thị Luận, đầu năm 2019, sản phẩm nước mắm Luận Nghiệp được thị xã Kỳ Anh lựa chọn tham gia chương trình OCOP. Theo đó, sản phẩm nước mắm Luận Nghiệp được đánh giá phân hạng dựa trên các nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, nguyên liệu đầu vào, phương án sản xuất, kinh doanh…

 

Trước khi đưa ra thị trường, trên mỗi chai nước mắm Luận Nghiệp được dán tem OCOP (do Văn phòng Nông thôn mới tỉnh phát hành), có mã QR để quét truy xuất thông tin về sản phẩm. Vì vậy, HTX càng phải tuân thủ chặt chẽ quy chế quản lý sản phẩm hàng hóa khi tham gia chương trình OCOP. Thí dụ như: Ngoài việc giữ nguyên thành phần của nước mắm chỉ có cá và muối, theo tỷ lệ tiêu chuẩn một muối, ba cá, tuyệt đối không có chất bảo quản, chất tạo mùi, chất tạo vị và chất làm dày. Cùng với đó, cơ sở còn sửa các tấm pin năng lượng mặt trời để tăng cường khả năng hấp thu nhiệt, vừa giảm được thời gian ủ lên men (chượp), vừa giữ được hương vị đặc trưng của nước mắm truyền thống.

 

Với cách làm có nhiều đổi mới quyết liệt đó, từ chỗ mỗi năm chỉ sản xuất được vài trăm lít nước mắm, năm 2019, HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng đã thu mua hơn 2.000 tấn hải sản các loại và cung cấp cho thị trường hơn 80 nghìn lít nước mắm, đạt lợi nhuận gần hai tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh Trần Ngọc Phú cho biết thêm, không chỉ tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, cơ sở chế biến nước mắm Luận Nghiệp còn giải tỏa nỗi lo "đầu ra" cho các sản phẩm đánh bắt hải sản của 136 tàu, thuyền của địa phương, góp phần tạo sinh kế lâu dài cho hàng trăm ngư dân.

 

Với sản phẩm nhung hươu Hương Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Kiều Hưng cho biết, từ lâu đời nay nhung hươu đã được biết đến là loại thuốc quý. Tuy vậy, để đưa các sản phẩm được chế biến từ nhung hươu đến tay nhiều người tiêu dùng là điều trăn trở của chính quyền và người chăn nuôi hươu trong những năm qua. Phải đến năm 2019, khi sản phẩm nhung hươu Hương Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, các cơ sở kinh doanh nhung hươu đã tự tin tham gia chương trình OCOP.

 

Chị Chu Thị Hồng Hà, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhung hươu Thuận Hà (xã Sơn Trung) chia sẻ: Ðược tham gia các lớp tập huấn, được tư vấn xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, chúng tôi đã nhận ra những hạn chế của hình thức kinh doanh mua đi, bán lại. Vì vậy, khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, chúng tôi mạnh dạn đầu tư hơn một tỷ đồng để mua máy móc, thiết bị thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ nhung hươu. Nhờ làm chủ được quy trình chế biến, chúng tôi đã loại trừ nguy cơ "được mùa mất giá" do phải tiêu thụ cấp tốc trong một thời gian nhất định như trước đây. Vì vậy, sản lượng nhung hươu được thu mua tăng dần, riêng năm 2019, chúng tôi đã bán ra thị trường hơn 10 tạ nhung hươu, trong đó các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn ba sao của chúng tôi như: Rượu nhung hươu, nhung hươu tươi thái lát, nhung hươu khô xay bột chiếm gần một nửa sản lượng tiêu thụ.

 

Theo Phó Chánh Văn phòng Nông thôn mới Hà Tĩnh Nguyễn Hữu Dực, thực hiện đề án "Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030", tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn sáu sản phẩm thí điểm tham gia chương trình OCOP để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Trên cơ sở đề xuất của các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP, hội đồng đánh giá, phân hạng đã tổ chức xét chọn các ý tưởng tốt, sản phẩm tiềm năng, đủ điều kiện tham gia chương trình. Thực tế triển khai cho thấy, các sản phẩm sau khi tham gia chương trình phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu. Năm 2019, tỉnh có 140 sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình OCOP, trong đó 72 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP ba sao, bốn sao. Hà Tĩnh cũng là tỉnh đầu tiên đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thông qua phần mềm chấm điểm hoạt động trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, rất dễ sử dụng, bảo đảm độ chính xác cao.

 

Chắp cánh thương hiệu

 

Kẹo cu đơ vốn được biết đến là sản phẩm truyền thống nức tiếng của Hà Tĩnh. Tuy vậy, so với "tiếng thơm" của thương hiệu, thì mức độ tiêu thụ, giá trị sản phẩm mang lại còn rất thấp. Sau 25 năm tham gia sản xuất kẹo cu đơ, anh Nguyễn Văn Phong (xã Thạch Ðài, huyện Thạch Hà) nhận thấy, việc phát triển thương hiệu, xác lập chỗ đứng của sản phẩm là yếu tố quyết định sự sống còn của loại kẹo này. "Tham gia chương trình OCOP, sản phẩm kẹo cu đơ Phong Nga được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác, nhất là được tham gia các hội chợ, gian hàng quảng bá xúc tiến thương mại của tỉnh với tư cách là sản phẩm truyền thống chủ lực của địa phương, nhờ đó sản phẩm đã vượt ra khỏi phạm vi hẹp, xác lập chỗ đứng tại 50 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Thông qua hệ thống siêu thị Vinmart, Intimex và các đại lý phân phối rộng khắp, doanh số bán hàng của cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Phong Nga đã tăng trưởng 25% so với trước khi tham gia chương trình OCOP" - anh Nguyễn Văn Phong chia sẻ.

 

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, một trong những điểm yếu nhất của sản xuất nông nghiệp địa phương, đó là sự thiếu vắng hệ thống cơ sở, nhà máy chế biến, bảo quản nông sản, dẫn đến những hạn chế trong sản xuất của người nông dân. Nhận thấy điều đó, năm 2016, Công ty TNHH một thành viên KC Hà Tĩnh (KC Hà Tĩnh) đã đầu tư dây chuyền chế biến, bảo quản gạo với công suất 150 tấn/ngày. Ðây cũng là đơn vị duy nhất ở Hà Tĩnh đến thời điểm này được Bộ Công thương cấp phép xuất khẩu gạo.

 

Trưởng phòng Quản lý dự án KC Hà Tĩnh Phan Thị Tuyết Mai chia sẻ, trước đây địa phương đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, song vì những lý do khác nhau, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách chưa kịp thời. Cuối năm 2018, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chương trình OCOP, những vướng mắc trước đây gần như được gỡ bỏ. Cũng nhờ đó, sản phẩm gạo Ngọc Mầm, một trong ba sản phẩm đạt tiêu chuẩn bốn sao của chương trình OCOP Hà Tĩnh đã được tiếp sức và phát huy ưu thế sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ nằm trong chuỗi liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp. Hiện nay, sản phẩm gạo Ngọc Mầm đã được KC Hà Tĩnh liên kết sản xuất với hơn 1.500 hộ dân trên diện tích 600 ha ở Cẩm Xuyên và Thạch Hà. Ðây cũng là một trong số ít những sản phẩm nông nghiệp ở Hà Tĩnh đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 22000 và HACCP được chấp nhận và có giá trị trên phạm vi toàn cầu.

 

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Võ Tá Nghĩa thông tin thêm, song song với việc hỗ trợ sản phẩm tham gia các diễn đàn xúc tiến thương mại trên toàn quốc, thời gian qua, Hà Tĩnh đã đưa vào hoạt động nhiều cửa hàng OCOP khắp các địa phương, nhờ đó, doanh thu của sản phẩm OCOP được xếp hạng đã tăng từ 10 đến 25% so với trước khi tham gia chương trình OCOP.

 

Qua hơn một năm triển khai chương trình OCOP, có thể thấy rằng bên cạnh những kết quả khả quan ban đầu đạt được, phần lớn các sản phẩm tham gia chương trình ở Hà Tĩnh mới dừng lại ở mức chế biến thô; việc mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ còn chưa nhiều; đội ngũ tư vấn còn hạn chế về năng lực, nhất là khâu tư vấn về phát triển sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm; quy mô các tổ chức kinh tế tham gia chương trình còn nhỏ, năng lực quản trị yếu… Vì vậy, theo đồng chí Ðặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, trên cơ sở những kết quả đạt được, nhìn nhận thấu đáo những hạn chế trong quá trình triển khai, thời gian tới tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động xây dựng liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu sạch, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm. Ðồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối đối tác, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nắm bắt, tiếp cận thị trường để điều chỉnh sản xuất kịp thời, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.

 

Theo Báo Nhân Dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang