Thứ Bẩy, 20/04/2024 17:33:31 GMT+7

Tin đăng lúc 21-02-2021

Lượt xem: 891

"Hâm nóng" nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh COVID-19

Xu hướng tiêu dùng đang có dấu hiệu chậm lại, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đang đẩy mạnh các biện pháp kích cầu.
"Hâm nóng" nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 khiến sức mua của người tiêu dùng có xu hướng giảm. Ảnh: Vũ Long

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2021 ước tính đạt 479,9 nghìn tỉ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 8%), có khả năng tháng 2.2021 sẽ khó đạt như kỳ vọng.

 

Thực tế là trong dịp Tết Nguyên đán 2021, sức mua giảm sút so với mục tiêu đề ra và doanh thu của nhiều doanh nghiệp không đạt được như kỳ vọng.

 

Thông tin từ Vụ Quản lý thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, các doanh nghiệp đã rất chủ động và ý thức trong việc chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ người dân mua sắm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, chương trình bình ổn thị trường được các đơn vị thực hiện khá tốt, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức mua không cao, bởi một phần người dân ý thức giãn cách phòng chống dịch, thắt chặt chi tiêu.

 

Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND TP.Hà Nội, TPHCM, các tỉnh Vĩnh Long, Yên Bái... tổ chức các Chương trình kết nối cung cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

“Chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương, đồng thời tạo nguồn hàng cho Chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định trong dịp Tết” – bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), chia sẻ.

 

Để kích thích sức mua, hỗ trợ người tiêu dùng, trên 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2021 bao gồm lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống..., tổng giá trị hàng hóa dự trữ vượt xa so với năm trước. Các DN đã thực hiện đúng cam kết đảm bảo số lượng và bán theo đúng giá bình ổn các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng đã đăng ký, thấp hơn giá thị trường 5 - 10%.

 

Kích thích tiêu dùng, chống “đóng băng” nền kinh tế

 

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Trí Hiếu, ở một số quốc gia, trong đó có Mỹ, để hỗ trợ người dân vượt qua dịch COVID-19, đồng thời kích thích tiêu dùng, Chính phủ Mỹ có gói hỗ trợ cho người dân, thậm chí hỗ trợ bằng tiền mặt.

 

Việt Nam cũng đã có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời.

 

Để tăng sức mua bền vững, “giữ ấm” hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, cần chú trọng sức mua của thị trường trong nước. Trong đó, ngoài các chương trình giảm giá, khuyến mãi, các doanh nghiệp đều triển khai dịch vụ thuận tiện cho người dân, thực hiện bán hàng online, tăng thương mại điện tử, triển khai hệ thống dịch vụ “tận chân cầu thang” khá hiệu quả.

 

Mặt khác, để tiện dụng cho người tiêu dùng, các tập đoàn, doanh nghiệp đã phát triển hàng loạt siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, “chợ di động” mọc lên tại các khu dân cư, chung cư, khu công nghiệp, vùng ngoại ô... để người tiêu dùng có thể "bước chân khỏi nhà là có chợ".

 

Tại Hà Nội và TPHCM, hàng hoạt cửa hàng tiện ích, siêu thị Vinmart, Vinmart+, Cirkle K mọc lên như nấm. Tại TPHCM, có thể dễ dàng tìm kiếm những thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op như Co.op Food, Co.op Smile, Cheer... cũng như chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods.

 

Tại Hà Nội, hệ thống thương mại của BRGMart, Hapro… đã không ngừng được mở rộng trong nhiều năm nay.

 

Cùng với đó, dịch vụ thương mại điện tử được đẩy mạnh và hầu hết các siêu thị như Big C, Hapro, Co.op Mart, Vissan Mart, CP… đang triển khai khá hiệu quả.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang