Thứ Sáu, 29/03/2024 04:32:31 GMT+7

Tin đăng lúc 07-10-2015

Lượt xem: 4605

Hàng giả, hàng nhái tràn về thị trường nông thôn

Trước sự cảnh giác cao hơn và sự tẩy chay gay gắt của người tiêu dùng (NTD) ở các đô thị lớn, hàng giả, hàng nhái đang tìm cách “dạt” về các vùng nông thôn, nơi mà sự hiểu biết của người dân về chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Thị trường nông thôn đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái tung hoành.
Hàng giả, hàng nhái tràn về thị trường nông thôn
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa thu giữ, xử lý số lượng lớn hàng giả, hàng nhái tại thị trường nông thôn.

Bày bán tràn lan, công khai

 

Dạo qua một số khu chợ ở vùng nông thôn, điều dễ nhận thấy là chất lượng hàng hóa ở thị trường này rất “tù mù”. Ngoài những mặt hàng nông sản của địa phương, các mặt hàng thiết yếu khác như đường kính, nước mắm, bột mì, giấy vệ sinh, bánh kẹo,... chỉ có “trời” mới biết được sản xuất ở đâu. Tại chợ Thọ Xuân, huyện Đan Phượng (Hà Nội), tuy chỉ có hơn chục sạp hàng nhưng gần như các sạp hàng ở đây không thiếu bất kỳ một loại hàng hóa nào, từ những mặt hàng trong nước đến hàng ngoại nhập và theo những người bán nơi đây, phần lớn hàng của họ được lấy từ chợ Thổ Tang (Vĩnh Phúc). Chứng kiến cảnh mua bán tại một sạp hàng chúng tôi thấy, người mua chẳng mấy quan tâm đến nơi sản xuất, hạn sử dụng hay chất lượng như thế nào, câu đầu tiên họ hỏi đều là giá cả, hai bên mặc cả là xong...

 

Tương tự, tại chợ Môi, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), chị Lý sống ở thôn Thọ Trại (Quảng Thọ) đang cầm trên tay hai gói bánh giống nhau đều mang thương hiệu Hải Hà, tuy nhiên một gói có giá 30 nghìn đồng (hàng thật) còn gói kia giá chỉ bằng phân nửa (hàng nhái). Đắn đo một lúc, chị chọn mua gói bánh kẹo Hải Hà 15 nghìn đồng. Khi được hỏi vì sao lại mua loại này, chị Lý cho biết: “Chú xem đó, hai gói giống nhau như đúc, gói nào rẻ thì tôi lấy thôi. Mua loại đắt làm gì cho tốn kém”. Không chỉ mặt hàng tiêu dùng mà ngay cả những sản phẩm phục vụ sản xuất như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu... tại thị trường nông thôn cũng tràn ngập hàng giả, hàng nhái. Bức xúc vì mua phải thuốc trừ sâu rởm, cô Lê Thị Luyện sống tại xã Quảng Tâm, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho biết: “Cách đây một tháng, tôi đi chợ được người bán hàng giới thiệu một loại thuốc trừ sâu giá rẻ mà hiệu quả lại cao, tôi mua ngay về để phun cho mấy sào lúa. Ngờ đâu sâu bệnh không chết mà lại càng phát triển mạnh hơn. Đến khi quay lại bắt đền thì mới phát hiện ra đây là hàng nhái theo nhãn hiệu Koben”.

 

Không riêng trường hợp chị Lý và cô Luyện mà nhiều người dân sống tại vùng nông thôn vẫn có thói quen chỉ quan tâm đến giá cả và nhìn qua nhãn hiệu sản phẩm khi mua hàng, chứ không tìm hiểu kỹ xuất xứ, nhà sản xuất, dẫn đến việc mua phải hàng giả, hàng nhái. Lợi dụng thói quen, tâm lý tiêu dùng này, hàng giả, hàng nhái có cơ hội tung hoành trên thị trường nông thôn, từ những mặt hàng có giá trị thấp như bánh kẹo, nước giải khát, giấy vệ sinh… đến hàng có giá trị cao như đồ gia dụng, phụ tùng xe máy…

 

Hành trình hàng rởm về nông thôn

 

Được một người bạn là dân bản địa "bảo lãnh", chúng tôi có dịp thâm nhập chợ Thổ Tang (Vĩnh Phúc), nơi được giới buôn mệnh danh là “kinh đô” của hàng rởm ở miền bắc để bắt đầu cuộc hành trình theo chân những chuyến xe chở hàng rởm về nông thôn. Trong vai lái buôn cần đánh hàng lớn đi các tỉnh, chúng tôi tận mắt chứng kiến các kho hàng khổng lồ với đủ loại “hàng đắt”, “hàng rẻ”, “hàng công ty”,... theo cách gọi của dân buôn Thổ Tang và không khỏi choáng vì sự sầm uất của nơi đây. Dân buôn bán có thể tìm được bất cứ loại hàng nào mình cần và hầu hết các cửa hàng ở đây đều bày bán “hàng rẻ” với giá khá “bèo”.

 

Điều dễ dàng nhận thấy nhất ở Thổ Tang là các cửa hàng tuyệt đối không bán lẻ mà chủ yếu bán buôn cho những mối quen thuộc, hầu hết những mặt hàng này đều được đưa về từ cửa khẩu Lạng Sơn hoặc bên kia biên giới. Bước vào một cửa hàng chuyên bán các loại bánh kẹo, rượu bia tại chợ Thổ Tang, một phụ nữ trung niên hất hàm hỏi chúng tôi: “Cần "hàng đắt" hay "hàng rẻ"?”. Ngỏ ý lấy hàng “loại 2” hay còn gọi là “hàng rẻ”, lập tức chúng tôi được bà chủ dẫn đi “tham quan” kho để chọn hàng. Đập ngay vào mắt là hàng chục thùng bánh, kẹo làm nhái theo các thương hiệu nổi tiếng như Hải Hà, Kinh Đô, Lotte,… nhưng có giá bán khá “bèo”, chỉ từ 15 nghìn đến 40 nghìn đồng/hộp, trong khi hàng chính hãng có giá bán gấp đôi, thậm chí là gấp ba. Một hộp bánh Coolte mang thương hiệu Hải Hà được giới thiệu là “hàng rẻ” với mức giá chỉ 15 nghìn đồng khiến chúng tôi phải giật mình bởi mức giá này chỉ bằng một phần ba giá hàng thật. Cạnh đó là một hộp bánh hiệu Chocopai loại 12 chiếc, làm nhái kiểu dáng, bao bì không khác gì hàng Chocopie của hãng Orion (Hàn Quốc) nhưng có giá bán chưa tới 20 nghìn đồng/hộp, trong khi giá hàng thật lên tới 55 nghìn đồng/hộp. Chủ hàng này tiếp tục giới thiệu: “Tuy là “hàng rẻ” nhưng giống hệt hàng công ty (hàng xịn), nếu không tinh ý thì rất khó phát hiện. Còn các loại hàng khác như mỳ tôm, sữa chua, bánh kẹo... chỉ khác đôi chút về tên nhãn mác nhưng chất lượng vẫn "bảo đảm”. Nếu em bán được loại hàng này thì lời cao lắm”.

 

Theo quan sát của chúng tôi, không phải là thời điểm cận Tết Nguyên đán nhưng khung cảnh buôn bán tại Thổ Tang lúc nào cũng tấp nập. Từ đầu thị trấn Thổ Tang đoạn dẫn ra quốc lộ 2, từng đoàn xe tải, ô-tô, xe máy chất đầy hàng ra vào nườm nượp. Những chiếc xe tải nhỏ, to mang biển số Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nội,... nằm dài la liệt chờ bốc hàng. Trung bình mỗi ngày lượng xe này vận chuyển cả nghìn tấn từ các cơ sở sản xuất hàng giả ở khắp mọi nơi đổ về Thổ Tang và từ đây lại xuất đi cho các cửa hàng bán lẻ dọc đường đi từ vùng nông thôn cho đến miền núi. Theo chia sẻ từ một chủ hàng, các mặt hàng giả, hàng nhái ở đây được làm khá tinh vi, từ những sản phẩm cao cấp đến những sản phẩm bình dân như bột giặt, kem đánh răng, thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo, bột ngọt, giấy vệ sinh,… cái gì cần cũng có. Như để minh chứng, miệng nói tay làm, chủ hàng này đưa cho chúng tôi xem một lọ dầu gội đầu Sunsilek nhái theo thương hiệu Sunsilk từ kiểu dáng tới mẫu mã, chỉ khác nhau ở chỗ giá hàng nhái chỉ hơn 20 nghìn đồng/chai, còn hàng xịn có giá tới 68 nghìn đồng/chai. Nổi bật hơn cả trong số hàng nhái ở Thổ Tang là nước mắm và mỳ chính. Bởi mỳ chính ở đây chủ yếu là hàng nhập từ biên giới Lạng Sơn, còn nước mắm đa phần là những viên nước mắm không rõ nguồn gốc được thả vào nước lã bình thường rồi được đóng chai đem đi tiêu thụ tại thị trường nông thôn và miền núi.

 

Theo Phó Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Đỗ Thanh Lam, việc xử lý các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn gặp trở ngại do các chế tài xử phạt còn nhẹ, mới dừng ở mức độ tiêu hủy hàng, xử phạt hành chính nên chưa có tác dụng thiết thực trong việc hạn chế tình trạng vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Chính vì vậy, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác dự báo, theo dõi sát diễn biến của thị trường, hàng hóa, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, tăng cường phối hợp các ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn cả nước, nhất là khu vực nông thôn nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

 

Có thể thấy, để cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thật sự có hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp (DN) sản xuất, còn cần sự ủng hộ của đông đảo NTD trong việc kiên quyết không tiếp tay các hành vi vi phạm. Với khu vực nông thôn, cần tuyên truyền thay đổi thói quen, tâm lý tiêu dùng của người dân trong việc sử dụng sản phẩm hàng hóa, quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố giá cả. Muốn vậy, các DN sản xuất luôn phải cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm; thiết lập kênh phân phối, bán lẻ để cung ứng sản phẩm tới tận tay NTD khu vực nông thôn với giá bán hợp lý, phù hợp thu nhập của người dân nơi đây. Từ đó, hàng Việt “xịn” mới có thể từng bước xây dựng lòng tin và chiếm lĩnh thị trường nông thôn một cách bền vững.

 

Người tiêu dùng nông thôn do không nắm được thông tin nên phải gánh chịu tất cả mọi rủi ro nếu mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,... Chính vì vậy, có một thực tế đáng buồn là phần lớn người tiêu dùng nông thôn đang phải sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng và thực chất họ đang phải mua hàng với giá cao, chứ không phải hàng giá rẻ…

 

Lê Thế Bảo

Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (Vatap)

 

BÀI VÀ ẢNH: MINH DŨNG

nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang