Thứ Bẩy, 20/04/2024 13:39:37 GMT+7

Tin đăng lúc 06-05-2019

Lượt xem: 3198

Hàng Nhật nội địa xách tay: Hệ lụy khôn lường đằng sau một cơn sốt

Hàng Nhật xách tay lâu nay luôn chiếm được niềm tin lớn từ người tiêu dùng bởi chất lượng vượt trội. Thế nhưng thị trường đang xuất hiện loại hàng Nhật bị làm giả, nhái, đánh lừa ngay cả những khách hàng tinh tường nhất.
Hàng Nhật nội địa xách tay:  Hệ lụy khôn lường đằng sau một cơn sốt
Một nhãn hiệu sữa Nhật xách tay

Chị Vy Anh, nhân viên văn phòng (Hà Nội), thường tìm mua sữa Nhật xách tay trên các kênh bán hàng online cho 2 con nhỏ. Gần đây, cháu lớn có biểu hiện nôn và tiêu chảy sau khi uống sữa xong. Bất ngờ vì đây là lần đầu tiên dùng sữa có vấn đề như vậy, chị nhanh chóng mang đến cửa hàng nhờ nhân viên kiểm tra. Chị nói: “Đến nơi, họ cũng lúng túng vì không có cách nào phân biệt được thật giả một cách chính xác. Họ hoàn lại tiền, bồi thường và xin thêm thời gian để giải quyết”.

 

Nhưng không phải cửa hàng nào cũng có chính sách hỗ trợ kịp thời như vậy. Rất nhiều người tiêu dùng mua phải hàng Nhật giả cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” cho qua bởi khi xảy ra vấn đề thì không thể thương lượng được với người bán.

 

Anh Dũng (34 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình mua một chiếc máy ảnh xách tay Nhật trên chợ mua bán máy ảnh online. Sau một thời gian ngắn sử dụng, đột nhiên máy bị sập nguồn, không thể khởi động lại được. Mang ra hàng, thợ máy ảnh chẩn đoán rằng máy bị chết nguồn. Khi mình liên lạc với người bán thì họ từ chối hỗ trợ bảo hành với lý do đã quá hạn test máy, bảo hành. Mình gọi và liên lạc bằng Facebook một vài lần nữa thì số máy người bán hàng báo bận, Facebook cũng không tìm thấy”.

 

Hàng nội địa là những sản phẩm được sản xuất dành riêng cho người dân Nhật Bản sử dụng. Người Nhật vốn rất khó tính nên chất lượng của hàng nội địa luôn cao hơn rất nhiều so với những sản phẩm xuất khẩu. Ở Việt Nam, một số năm gần đây, người tiêu dùng đã được tiếp cận với rất nhiều hàng hóa nội địa Nhật qua con đường xách tay với giá cả hợp lý. Thế nhưng, lợi dụng tâm lý “sốt” hàng Nhật ấy, rất nhiều đối tượng đã đánh lừa người tiêu dùng bằng cách trà trộn hàng fake vào chào bán như hàng chính hãng.

 

Những cú lách luật, đi cửa sau của nhiều gian thương đang làm thị trường này ngày càng khó lường hơn. Bên chịu thiệt hại không chỉ là khách hàng mà còn là những người làm ăn chân chính. Anh Quang Huy, chủ sở hữu một Fanpage buôn hàng xách tay Nhật chính hãng, tâm sự: “Gần đây, hàng fake xuất hiện nhiều khiến những đơn vị kinh doanh hàng chuẩn như chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Hàng fake cạnh tranh về giá cả hơn rất nhiều dù chất lượng không hề đảm bảo. Nhìn bề ngoài, hàng fake và hàng thật gần như giống hệt nhau vì bao bì đều là tiếng Nhật”.

 

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có đến hàng nghìn đơn vị kinh doanh hàng nội địa Nhật qua các kênh online hoặc cửa hàng, showroom. Sản phẩm bày bán phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã nhưng được ưa chuộng nhất phải kể đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, bỉm sữa, đồ điện tử, gia dụng…

 

Tuy nhiên một kẽ hở lớn thường được gian thương lợi dụng chính là việc hàng nội địa Nhật không ghi ngày sử dụng trên bao bì. Thông thường, ở Nhật, người ta quản lý hàng theo lô, khi hết hạn sử dụng sẽ được đem đi tiêu hủy. Những sản phẩm không ghi hạn sử dụng đó trở thành miếng mồi béo bở cho các đối tượng gian lận thương mại. Hàng hết “date” có thể ngang nhiên bày bán trên kệ, thậm chí đến tận tay người tiêu dùng mà không hề bị phát hiện.

 

Tất nhiên, bằng việc quét mã Batch Code, người ta vẫn có thể kiểm tra hạn sử dụng của hàng hóa. Nhưng mã Batch Code là gì, kiểm tra ra sao, đọc mã như thế nào… tiếc thay lại không phải là sở trường của đa số người tiêu dùng.

 

 

Ông Hironobu Kitakawa, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) 

 

Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cho biết: “Chính phủ Nhật Bản hiện cũng đang tích cực phối hợp cùng ổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương của Việt Nam nhằm giảm thiểu cũng như phòng chống tình trạng hàng giả, hàng nhái lưu thông trên thị trường”.

 

Theo ông Kitagawa, các doanh nghiệp Nhật Bản đang nỗ lực cung cấp thêm nhiều thông tin để người tiêu dùng có thể phân biệt hàng thật, hàng giả. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật Bản cũng xem xét khả năng hợp tác cùng doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu và phân phối hàng Nhật chính hãng trên thị trường, không để hàng fake còn đất diễn.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang