Thứ Tư, 24/04/2024 06:35:56 GMT+7

Tin đăng lúc 10-12-2018

Lượt xem: 7308

Hàng Việt xa lạ với thị trường quen ASEAN

Hàng Việt hiện không chỉ gặp khó khăn ở thị trường khó tính mà cả với ASEAN – thị trường được đánh giá là quen thuộc và rất nhiều lợi thế. Đến nay, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể tận dụng những cơ hội này, mặc dù rào cản thuế quan đã được dỡ bỏ.
Hàng Việt xa lạ với thị trường quen ASEAN
Thuế đã giảm mạnh nhưng hàng Việt vẫn khó vào ASEAN

Thị trường ASEAN mang lại cho các doanh nghiệp (DN) những lợi thế như am hiểu văn hóa, xu hướng tiêu dùng phù hợp với hàng hóa Việt Nam, chi phí nghiên cứu thị trường không tốn kém, dễ dàng giao dịch xuất khẩu (XK)…

 

Khó tăng trưởng xuất khẩu

 

Tuy nhiên, những cơ hội này dường như mới chỉ dừng trên "bánh vẽ", còn thực tế rất ít DN tận dụng được. Ông Nguyễn Đương Kiên, Phó phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực (Vụ Thị trường Châu Á, châu Phi – Bộ Công Thương), cho biết ASEAN là thị trường gần, có sự tương đồng về văn hóa tiêu dùng và phù hợp với DN Việt Nam. Lộ trình giảm thuế rất mạnh (tương ứng 98% dòng thuế về 0%), nhưng thực tế DN Việt Nam không dễ tăng trưởng XK.

 

Có thời điểm cắt giảm thuế mạnh (2010, 2015), nhưng DN không tận dụng được. Việt Nam luôn thâm hụt thương mại với các nước trong ASEAN (bình quân 4-6 tỷ USD), tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong khu vực còn thấp, đạt 30%.

 

Phân tích một số thị trường, ông Kiên cho biếtt hàng Việt xuất sang Thái Lan đạt 4,8 tỷ USD năm 2017 và dự kiến đạt 5,7 tỷ USD năm 2018, tăng khoảng 19% (chiếm 2,2% thị phần nhập khẩu của Thái Lan). Nhiều mặt hàng Việt Nam XK có tiềm năng vào Thái Lan nhưng thị phần còn nhỏ như săm lốp (5%), thủy sản (7,3%), cà phê (86% thô, 15% hòa tan), sữa hầu như không XK (dung lượng nhập khẩu của Thái Lan là 3,4 tỷ USD).

 

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Thái Lan xem Việt Nam là thị trường quan trọng trong ASEAN. Thời gian qua, nhiều tập đoàn bán lẻ Thái Lan đầu tư vào Việt Nam bằng con đường mua bán và sáp nhập, phải kể tới như Central Group mua lại siêu thị Big C và siêu thị điện máy Nguyễn Kim; Tập đoàn TCC mua lại chuỗi siêu thị Metro, đổi tên thành MM Mega Market…

 

"Có thể thấy Việt Nam là thị trường nối dài của Thái Lan trong khu vực ASEAN. Một số tập đoàn Thái Lan còn mua lại DN sản xuất của Việt Nam để tận dụng các FTA, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Đặc biệt, thị trường Việt Nam cũng là điểm trung chuyển cho hàng Thái, khi mà hơn 90% trái cây Thái Lan xuất qua Việt Nam là để sang Trung Quốc", ông Kiên cho biết.

 

Tương tự, nhiều mặt hàng Việt Nam XK có tiềm năng vào Malaysia, Indonesia nhưng thị phần còn nhỏ như gạo, thủy sản, cà phê, sắt thép các loại, thực phẩm chế biến sẵn, hàng gia dụng… Thậm chí, với thị trường Lào – "hàng xóm" ngay bên cạnh Việt Nam, nhưng Trung Quốc và Thái Lan chiếm 87% kim ngạch nhập khẩu, Việt Nam chỉ chiếm 7%.

 

Nhìn lại quá trình tận dụng cơ hội từ thị trường ASEAN, bà Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), cho hay ASEAN là thị trường XK lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, năm 2016 – năm đầu tiên Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) chính thức có hiệu lực, kim ngạch XK nông, thủy sản sang các nước Asean chỉ đạt hơn 1,6 tỷ USD, giảm 20,3% so với năm 2015. Năm 2016, trong 100% hàng hóa XK của Việt Nam chỉ có khoảng 9,8% vào ASEAN, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ XK trung bình trong khu vực là 24%.


Bỏ tư duy thị trường cấp thấp

 

Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan khi XK hàng hóa sang thị trường khu vực. Cụ thể, theo thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), tỷ lệ tận dụng ưu đãi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) năm 2016 là 31,8%, cao hơn năm 2015 là 24,2% nhưng tỷ lệ này vẫn thấp.

 

Chưa kể đến sự hiểu biết của các DN XK trong nước về AEC còn hạn chế. Chỉ có 46,79% DN chủ động tìm hiểu thông tin về AEC; trong gần 94% DN biết về AEC chỉ có 16,4% thực sự hiểu rõ về những cam kết khu vực kinh tế thương mại này.

 

Ông Hà Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP May Sơn Việt, chia sẻ: hàng Việt khó vào ASEAN vì người tiêu dùng không biết nhiều tới thương hiệu của các DN Việt Nam.

 

Từ câu chuyện của DN, ông Xuân Anh cho biết sản phẩm đồ lót của công ty đã có mặt ở nhiều kênh bán lẻ hiện đại trong nước nhưng đến nay chưa thể chen chân được vào các thị trường tiềm năng trong ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia…

 

Đại diện Bộ Công Thương – ông Nguyễn Đương Kiên cho rằng một trong những lý do khiến hàng Việt khó vào thị trường Thái Lan nói riêng và các nước trong ASEAN là vì Việt Nam không có hãng bán lẻ nào có thể thâm nhập vào các nước này. Hay nói cách khác là không có DN nào như nhà bảo trợ đưa hàng Việt vào ASEAN.

 

Bên cạnh đó là vấn đề chất lượng hàng hóa. Dường như các DN Việt Nam vẫn đang xem ASEAN là thị trường cấp thấp.

 

Ông Kiên nhớ lại, trước đây, tại một hội chợ ở Myanmar, ông đã từng chứng kiến có nhiều DN Việt Nam đem quần áo đến để tiếp thị trông như… "hàng thùng"! Trong bối cảnh đời sống của người dân Myanmar đang tốt lên từng ngày, chất lượng hàng hóa như vậy rất có thể bị tẩy chay.

 

Ông Kiên cho rằng: Các DN nên lưu ý, chất lượng sản phẩm hàng hóa của một quốc gia luôn rất ấn tượng trong mắt người tiêu dùng. Một khi sản phẩm Việt Nam bị định hình là hàng rẻ tiền, việc thay đổi nhận diện sản phẩm rất khó. Điều đó có nghĩa người tiêu dùng sẽ bài xích hàng hóa Việt Nam.

 

Vì vậy, đại diện Bộ Công Thương cho rằng hơn ai hết DN phải chủ động, tìm hiểu yêu cầu của từng thị trường, luôn xem chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh đó, dù không có hệ thống phân phối của người Việt nhưng DN có thể dựa vào hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ của bà con Việt kiều để đưa hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng trong ASEAN.

 

Theo bà Trần Thị Hà, Nhà nước cần tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư, tạo các kết nối cần thiết ở cấp quốc gia và DN với các nước trong khu vực nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các DN XK.

 

Các cơ quan ban ngành liên quan cũng cần nghiên cứu, phổ biến những quy định mới, sự thay đổi chính sách của các nước trong khu vực về việc nhập khẩu hàng hóa để các DN kịp thời cập nhật, điều chỉnh hoạt động cho phù hợp. Việc này sẽ giúp các DN thâm nhập tốt hơn vào thị trường các nước.

 

Cùng với đó, để hàng hóa, sản phẩm Việt Nam xuất đi các thị trường, DN cần phải có chiến lược kinh doanh, theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước ASEAN, liên kết với nhà phân phối nội địa có uy tín và năng lực,… Đây là việc làm quan trọng, bởi sản phẩm của mỗi nước, mỗi DN đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang