Thứ Sáu, 19/04/2024 23:16:08 GMT+7

Tin đăng lúc 14-10-2019

Lượt xem: 1788

Hành động như thế nào để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng?

Tại Diễn đàn thường niên lần thứ hai về cải cách và phát triển năm 2019 với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng – Ưu tiên và hành động” vừa diễn ra giữa tháng 9 vừa qua, nhiều khó khăn của Việt Nam đã được nhận diện, nhiều câu hỏi cho tương lai cũng đã được đặt ra, trong đó, câu hỏi lớn nhất là: Việt Nam phải làm gì và hành động như thế nào để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng?
Hành động như thế nào để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng?
Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn cải cách và phát triển 2019

Cho đến nay, Việt Nam đã trải qua gần 35 năm thực hiện chính sách đổi mới nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, Việt Nam được xem là một trong những điển hình về phát triển thành công. Từ một nước trong nhóm nghèo nhất thế giới khi bắt đầu đổi mới với tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao, trên 53% năm 1992, Việt Nam đã giảm tỷ lệ này xuống còn 5,3% vào năm 2018, vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình và đạt được nhiều thành tự về xã hội tương đương với các quốc gia có thu nhập cao hơn. Tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam ước đạt khoảng 6,35%/năm, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Có thể nói, đây là những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của người dân Việt Nam.

 

Hiện nay, Việt Nam đang khẩn trương triển khai nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH thời kỳ 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 nhằm xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng trong 10-25 năm tới. Để hiện thực hóa được khát vọng này, cần sự nỗ lực vượt bậc của cả nền kinh tế, trong đó, hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là những việc quan trọng mà Việt Nam phải làm trong hành trình đi đến thịnh vượng.

 

 

Đẩy mạnh cải cách thể chế là nhiệm vụ quan trọng

 

Đẩy mạnh cải cách thể chế, vượt qua bẫy thu nhập trung bình

 

Trong các phiên thảo luận tại Diễn đàn, các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho rằng, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong hiện tại cũng như giai đoạn sắp tới. Nhiều diễn giả đều có một nhận định quan trọng là so với thông lệ quốc tế và yêu cầu của sự phát triển thì thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam về thực chất còn nhiều khiếm khuyết dẫn đến kìm hãm sự phát triển, đặc biệt là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Còn để vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, thì bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại, Việt Nam cần nâng cao năng lực, đổi mới sáng tạo, cùng với phát triển công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Và đặc biệt là cần đầu tư xứng đáng vào nguồn nhân lực, con người.

 

PGS.TS Bùi Tất Thắng – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng cho rằng, hiện nay, chất lượng thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam chưa cao và chưa đồng đều, do đó, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, đặc biệt, nó sẽ cản trở việc thoát bẫy thu nhập trung bình của chúng ta hiện nay.

 

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Thắng, phải nhanh chóng hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế, trong đó, tiếp tục thực hiện một trong ba đột phá chiến lược “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với trọng tâm chính là: Xây dựng bộ máy nhà nước có cấu trúc và phương thức hoạt động phù hợp, hiệu lực và hiệu quả; Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng thực sự và phát triển đầy đủ, đồng bộ các loại thị trường, cần chú trọng hỗ trợ các DN tham gia nhiều hơn và sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; Việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển trong xã hội phải theo nguyên tắc thị trường; Giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước – thị trường – xã hội.

 

 

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu thấp thiết

 

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp thiết

 

Một quốc gia thịnh vượng không thể không nói tới phát triển con người với tư cách là người tham gia phát triển kinh tế và là người được sẻ chia, thụ hưởng kết quả của phát triển. Tuy nhiên, theo báo cáo tại Diễn đàn cải cách và phát triển năm 2019, Việt Nam có dân số đứng thứ 3 nhưng GDP lại đứng thứ 6 trong khối ASEAN, điều này chứng tỏ rằng, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp.

 

Theo TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để vượt qua được năng suất lao động thấp, thì cần nâng cao năng lực canh tranh của nền kinh tế, cụ thể là nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân. Phải minh bạch hóa khu vực hộ kinh tế gia đình nói riêng và khu vực DN vừa và nhỏ nói chung. Chừng nào khu vực DN vừa và nhỏ chưa được nâng cấp và chưa thể kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu thì chừng đó chúng ta vẫn chưa thể vượt qua được năng suất lao động thấp.

 

PGS.TS Bùi Tất Thắng thì cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để có được nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, cần xây dựng con người VN có sức khỏe, ý thức trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn tốt, có năng lực hội nhập; đồng thời, cũng cần cải cách tổng thể, đồng bộ chính sách tiền lương theo hướng tăng năng suất lao động làm cơ sở để tăng lương; đổi mới chế độ tuyển dụng, trọng dụng nhân tài khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng chiến lược việc làm thỏa đáng cho người lao động VN…

 

Để “hiến kế” cho Việt Nam vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, nhiều chia sẻ thẳng thắn, tâm huyết của các học giả, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã được gửi đến Chính phủ. Đây là những đóng góp vô cùng hữu ích để giúp Việt Nam tìm ra cách làm phù hợp cho mình. Có lẽ, việc mà chúng ta cần làm trước mắt đó là xây dựng được một chiến lược phát triển thật tốt cho giai đoạn tới, phải xác định được những điểm đột phá nào cần ưu tiên tập trung và tiếp đến là phải hành động quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chúng ta trở lên lớn lao bởi những ước mơ, nhưng bên cạnh những ước mơ, khát vọng thì cần phải hành động vì một Việt Nam thịnh vượng”./.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang