Thứ Sáu, 29/03/2024 21:41:09 GMT+7

Tin đăng lúc 03-01-2016

Lượt xem: 5565

Hành động và hành động...

Phải mất khá nhiều công “sắp xếp” tôi mới có thể đặt được lịch phỏng vấn với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT về chủ đề “Khởi nghiệp”. Sau cái bắt tay, ông nói ngay về sự lo lắng của nhóm Think tanks về tương lai của đất nước, những trăn trở làm sao để Việt Nam thoát khỏi “Bẫy thu nhập trung bình”, về sự cần thiết phải đầu tư cho giáo dục, về những bài học từ các quốc gia khởi nghiệp thành công, để Việt Nam thoát nghèo…
Hành động và hành động...
May mắn và thành công chỉ dành cho những người liên tục tìm kiếm con đường riêng.

- Thời gian gần đây, ở Việt Nam, khái niệm “Khởi nghiệp” cũng được nhắc đến rất nhiều. Vậy ông có thể giải thích sự khác biệt giữa khởi nghiệp và lập nghiệp?

 

- Lập nghiệp (entrepreneurship) là tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt khó đi đến thành công của doanh nhân. Khởi nghiệp (start-up) đòi hỏi đổi mới ở mức cao hơn- sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chưa từng có trên nền tảng nghiên cứu và phát triển (R&D).

 

- Vậy thời điểm năm 1988, khi mà đất nước còn đang rất khó khăn, cuộc sống của người dân cũng rất khó khăn với đủ bề thiếu thốn, các ông mang theo khát vọng “Lập nghiệp” hay “Khởi nghiệp” khi quyết định thành lập FPT?

 

- FPT được thành lập ngày 13-9-1988, khi mà Luật Doanh nghiệp còn chưa ra đời. Tuy nhiên, ngay từ khi đó chúng tôi đã văn bản hóa tầm nhìn của mình, rằng “FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, hùng mạnh bằng nỗ lực sáng tạo trong khoa học, kỹ thuật và công nghệ, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển đầy đủ nhất về tài năng và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần”. Rõ ràng FPT đã mang theo một khát vọng rất lớn ngay từ khi ra đời. Tất nhiên, thời đó ai cũng khó khăn, nên nhu cầu giải quyết cuộc sống là động lực hàng đầu. Nhưng ngay từ thời đó, chúng tôi đã biết rằng mình sẽ phải “chiến đấu” bằng khoa học công nghệ để làm đất nước hưng thịnh.

 

- Là người“khởi nghiệp” cùng FPT, đưa FPT trở thành Tập đoàn số 1 quốc gia về công nghệ, và hiện cũng đang dành rất nhiều tâm huyết cho phong trào khởi nghiệp, ông thấy việc khởi nghiệp của thế hệ những doanh nhân như ông và các bạn trẻ hiện nay có những điểm gì giống và khác nhau?

 

- Rất khó để có thể so sánh hai thế hệ chúng tôi và thế hệ các bạn trẻ hiện nay, bởi mỗi thế hệ có những phẩm chất và lợi thế riêng, đặc biệt là sự khác nhau về xuất phát điểm. Chẳng hạn, thế hệ chúng tôi sinh ra trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nên tư duy thiên về sinh tồn, về khả năng vượt khó. Còn thế hệ trẻ sinh ra trong cuộc sống đầy đủ hơn, có nhiều điều kiện để học hành hơn, sẽ thiên về tư duy quản trị, đặc biệt là họ có lợi thế về kế hoạch, kinh doanh, marketing, tài chính.

 

 

Ông Trương Gia Bình

 

Tuy nhiên, vì sinh ra trong điều kiện khó khăn nên thế hệ chúng tôi lại có khát vọng và hoài bão rất lớn. Chúng tôi được hưởng thụ sự giáo dục về niềm tự hào dân tộc. Vì thế chúng tôi không chỉ mong muốn làm giàu cho mình, mà còn muốn làm sao để quốc gia được hưng thịnh. Đặc biệt, lợi thế chúng tôi chính là ý chí vượt khó và sự kiên định,nhất quán theo ý chí đó.

 

Các bạn thanh niên hiện tại, khát vọng làm giàu lại rất rõ ràng. Nhưng đa phần khát vọng ấy vẫn chưa vượt ra khỏi “Lập nghiệp” để trở thành những người “Khởi nghiệp”. Cho nên cần có sự liên kết giữa hai thế hệ để tạo thành một “Sức mạnh Việt Nam”. Khi đó chúng ta sẽ có cơ hội để đi theo con đường của một quốc gia khởi nghiệp.

 

- Nếu có thể chọn ra 5 dự án “Khởi nghiệp” thành công của người Việt, ông sẽ...

 

- Thứ tự của tôi là: Misfit (thành lập năm 2011 với ba nhà sáng lập: S.Vũ (Sonny Vũ), S.Lai-en-ga-rơ (Sridhar Lyengar) và G.X-cu-li (John Sculley). Misfit chuyên sản xuất và phát triển những sản phẩm mang trên người (wearable) hỗ trợ sức khỏe, kết hợp y tế và công nghệ di động. Misfit đã được bán lại cho Fossil Group với giá 260 triệu USD); Thứ hai là Emotiv Systems với thiết bị đọc não người. Đây là một ví dụ điển hình về sự hợp tác giữa một người Việt (Đỗ Hoài Nam) và những bộ óc siêu việt về công nghệ của thế giới; Thứ ba là VinaGame với Zalo. Thực ra VinaGame không hẳn còn là một starup mà đã hơi “chín”. Tuy nhiên, Zalo thật sự là một startup ấn tượng; Thứ tư là hai nhóm thương mại điện tử Tiki và Sendo; Và cuối cùng là nhóm Giao hàng nhanh. Nhóm Logicstics theo hình thức tương tự của Uber. Mặc dù đang gặp khó khăn nhưng đây cũng là một startup thành công.

 

- Tôi thấy ông phải mất khá nhiều thời gian suy nghĩ để có thể đưa ra được top 5 Starup thành công. Đó là do chúng ta có nhiều starup đều nhau nên khó chọn, hay vì có quá ít thành công để có thể kể ra?

 

- Đây đúng là một vấn đề của câu chuyện khởi nghiệp. Hiện nay FPT đang liên lạc với hàng trăm nhóm khởi nghiệp, và rất nhiều đơn đăng ký tham gia vào chương trình “Thành Cát Tư Hãn” của FPT. Tổng thể chúng ta có khoảng vài trăm startup. Và đây là con số rất ít nếu so với quy mô dân số hơn 90 triệu dân. Hơn nữa, trong vài trăm doanh nghiệp khởi nghiệp ấy chỉ có vài chục doanh nghiệp thành công. Trong vài chục doanh nghiệp thành công chỉ có được vài doanh nghiệp bước được vào vòng gọi vốn thứ 2. Và cuối cùng chỉ có được vài doanh nghiệp thành công thật sự.

 

Điều đáng nói là trong khi các doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực đã tiến đến vòng gọi vốn thứ 3 với số tiền lên đến hàng trăm triệu USD thì Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào tiến tới được con số này. Nó đồng nghĩa với việc chúng ta đang thua cả về số lượng lẫn chất lượng các startup. Chính vì thế, mấu chốt của vấn đề là nhà nước cần có những biện pháp “chăm sóc” tốt để những startup của chúng ta phải tăng lên gấp 10 lần cả về số lượng và chất lượng. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

 

- Là người dành nhiều tâm huyết cho vấn đề khởi nghiệp, trong những ngày đầu năm mới, ông muốn nhắn nhủ gì với các bạn trẻ?

 

- Tôi chỉ có một câu thôi: “Hành động! Hành động! Hành động!”. Để khởi nghiệp, các bạn trẻ hãy cứ ước mơ, hãy cứ kiếm tìm câu trả lời cho ước mơ ấy, và khi tìm được rồi thì hãy làm thật thấu đáo. Các tấm gương khởi nghiệp thành công như Nguyễn Hà Đông đã cho thấy may mắn và thành công chỉ dành cho những người liên tục tìm kiếm con đường đi riêng cho chính mình. Đó cũng là những phẩm chất cần có cho một doanh nhân trong thời đại ngày nay, đó là đam mê, sáng tạo và chu đáo.

 

- Xin cảm ơn và chúc ông thành công!
 

DOÃN TRƯỜNG (thực hiện)

Báo Nhân dân 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang