Thứ Năm, 25/04/2024 17:14:42 GMT+7

Tin đăng lúc 23-07-2021

Lượt xem: 1050

Hãy cảnh giác với kem chống nắng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không đảm bảo quy chuẩn…

Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, nhu cầu sử dụng mỹ phẩm chống nắng, làm trắng da của chị em tăng cao trong dịp hè. Bởi vậy, đây là thời điểm các sản phẩm nhập lậu, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc được bán tràn lan mà người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác.
Hãy cảnh giác với kem chống nắng trôi nổi, không rõ nguồn gốc,  kém chất lượng, không đảm bảo quy chuẩn…
Sản phẩm kem chống nắng dạng xịt của J&J bị thu hồi tại một số siêu thị

Dạo quanh một vòng trên các sàn thương mại điện tử hay các trang mạng xã hội, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm và chọn lựa hàng ngàn sản phẩm kem chống nắng, viên uống chống nắng, sữa rửa mặt trắng da, kem trắng da... có tác dụng tránh tia cực tím (UV), bảo vệ da...

 

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn có không ít các sản phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, hàng nội địa và có cả những sản phẩm nhái nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng khiến chị em như rơi vào "ma trận" khi có nhu cầu mua và sử dụng mỹ phẩm chống nắng.

 

Trong khi đó, thực tế vừa qua cho thấy, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm và phát hiện, thu giữ không ít sản phẩm mỹ phẩm giả, không rõ xuất xứ, trong đó có khá nhiều các loại kem chống nắng…

 

Cụ thể, giữa tháng 6/2021, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã kiểm tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, phát hiện và thu giữ 6.600 chai sữa tắm giả thương hiệu nổi tiếng của Pháp; gần 1.000 hộp sữa tắm xông trắng; 6.000 lọ Serum làm sáng da Vitamin C Balance; gần 1.400 chai sữa tắm hương hoa cỏ Innisfree... Số mỹ phẩm này đa phần không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hoặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Ngày 22/6/2021, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng kiểm tra các kho hàng tại Hà Nội và một số địa phương lân cận thu giữ gần 3.200 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ.

 

Những mặt hàng trên không có nhãn mác phụ, không có hóa đơn chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và hầu hết được bán qua livestream, Facebook với hàng chục nghìn người theo dõi. Điều này quả thực hết sức đáng quan ngại… Đặc biệt, vừa qua, các cơ quan chức năng đã thu hồi một số loại kem chống nắng có chứa chất gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và làn da. Vì vậy, trước khi mua, sử dụng kem chống nắng, người dùng cần tìm hiểu kỹ để đảm bảo an toàn.

 

Dưới đây, là một số sản phẩm đã được khuyến cáo không tiêu dùng vì bị thu hồi:

 

Một là, thu hồi 5 loại kem chống nắng Johnson & Johnson

 

Theo thông báo của Johnson & Johnson, họ đã phát hiện lượng nhỏ Benzen - chất gây ung thư trong một số mẫu. Việc thu hồi được tiến hành ở tất cả các dòng sản phẩm, bất kể size hay nồng độ SPF khác nhau. Các sản phẩm cụ thể bị thu hồi là: Kem chống nắng dạng xịt NEUTROGENA Beach Defense; Kem chống nắng dạng xịt; NEUTROGENA Cool Dry Sport; NEUTROGENA Kem chống nắng dạng xịt phòng vệ hàng ngày vô hình; Kem chống nắng dạng xịt NEUTROGENA Ultra Sheer; AVEENO Protect + Làm mới kem chống nắng dạng xịt.

 

Benzen được xếp vào nhóm chất gây ung thư ở người, tùy theo mức độ và mức độ tiếp xúc. Benzen có mặt khắp nơi. Chúng ta có thể tiếp xúc benzen hàng ngày từ nhiều nguồn khác nhau. Benzen có thể được hấp thụ ở các mức độ khác nhau, qua đường hô hấp, da và đường miệng.

 

Hai là, kem chống nắng Klairs: Theo giới chuyên môn, chỉ số SPF (sun protection factor) là định mức đo lường khả năng chống lại tia UV được dùng trong kem chống nắng. Định mức này được tính theo số giờ và tỷ lệ phần trăm khi sử dụng kem chống nắng trên da. Chỉ số SPF trong kem chống nắng thấp nhất là 15 và cao nhất là 100.

 

Tuy nhiên 2 dòng kem chống nắng của Klairs được cho là có chỉ số SPF không minh bạch, sai số khá nhiều so với bản ghi trên bao bì. Và ngay lập tức Klairs đã kiểm nghiệm lại chỉ số SPF với 4 cơ sở lâm sàng trong và ngoài nước với nhiều tiêu chí khác nhau. Và sau vài tháng, Klairs đã chính thức đứng ra xin lỗi người dùng về sự sai sót này. Hãng còn công bố cụ thể con số kiểm nghiệm sai sót về 2 dòng kem chống nắng nổi tiếng này.

 

Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo

 

Gần đây, một phòng thí nghiệm độc lập là Valisure ở Mỹ - nơi tiến hành kiểm tra chất lượng thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã nghiên cứu gần 300 sản phẩm kem chống nắng và phát hiện ra có đến 27% các sản phẩm có chứa benzen. Trong đó có đến 14 sản phẩm (chiếm 5%) có chứa benzen ở mức cao hơn 2 phần triệu (ppm). Đây là mức benzene tối đa được FDA cho phép sử dụng trong các loại thuốc/sản phẩm có thành phần này.

 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết: benzen là một chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt, chúng có trong tự nhiên hoặc được tạo ra từ các hoạt động của con người. Ví dụ, khí thải ô tô và quá trình đốt cháy than/dầu có thể giải phóng benzen ra không khí. Ngoài ra, hóa chất này cũng được sử dụng trong các hoạt động sản xuất ra chất dẻo, cao su, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa, thuốc và thuốc trừ sâu...

 

Việc tiếp xúc với benzen nồng độ cao sẽ gây ra ung thư ở người, đặc biệt là ung thư máu và bệnh bạch cầu. Bởi vậy, người tiêu dùng cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng khi mua dùng các loại kem chống nắng.

 

Thanh Ba


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang