Thứ Sáu, 26/04/2024 03:16:33 GMT+7

Tin đăng lúc 31-08-2019

Lượt xem: 7629

Hãy thận trọng khi làm đẹp bằng sản phẩm “filler”

Hiện nay, nhu cầu làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ tại các thành phố lớn như Hà Nội ngày một gia tăng. Trong đó, việc sử dụng filler là khá phổ biến. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng hay nhẹ dạ cả tin… mà nhiều người dùng phải filler nhái, kém chất lượng hoặc sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc từ các cơ sở chăm sóc sắc đẹp không giấy phép, thiếu uy tín,… dẫn đến nguy hại khôn lường về sức khỏe như: Biến dạng, thương tật, biến chứng, di chứng, thậm chí tử vong.
Hãy thận trọng khi làm đẹp bằng sản phẩm “filler”
Hãy đến cơ sở thẩm mỹ uy tín, hợp pháp khi làm đẹp bằng filler

Vậy filler là gì? Làm thế nào để phòng tránh, nhận biết được filler “rởm”, trôi nổi,… và sử dụng sản phẩm này được an toàn?

 

Theo các chuyên gia y tế, bác sỹ chuyên ngành, filler có thể hiểu là chất làm đầy nói chung, dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ để lấp đầy khuyết điểm của cơ thể (như nâng mũi; xóa nhăn; độn cằm, mông, ngực…). Có thể nói, làm đẹp bằng filler đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới, rầm rộ ở Việt Nam từ vài năm nay và khá được ưa chuộng vì thời gian thao tác nhanh, thân thiện với cơ thể, không cần phẫu thuật, cải thiện thẩm mỹ tức thì. 

 

Hiện nay, filler dùng trong thẩm mỹ có hai dạng: filler tự thân (mỡ, cơ, biểu bì da, mô của chính khách hàng) và filler sinh học (tổng hợp từ các chất sinh học khác nhau). Bên cạnh các sản phẩm filler này, các đối tượng làm đẹp còn hay gặp hoặc được tư vấn dùng silicon lỏng. Thực ra, silicon lỏng cũng là một dạng filler. Trước đây, người ta sử dụng silicon lỏng trong thẩm mỹ nhưng sau đó nhận ra rất khó kiểm soát được sự di chuyển của chất này khi bơm vào cơ thể. Mặt khác, silicon lỏng còn làm viêm cốt hóa các mô hạt. Chính vì thế, silicon lỏng bị cấm dùng trong ngành thẩm mỹ nhưng vẫn được sử dụng trong y khoa khi có sự chỉ định cụ thể. 

 

 

Hãy tìm hiểu kỹ và thận trọng khi dùng filler để làm đẹp

 

Với sự tiến tiến của y học hiện đại, vài năm trở lại đây, bên cạnh tiêm mỡ tự thân, tiêm filler hay silicon lỏng là phương pháp làm đẹp chiếm được cảm tình, tạo hy vọng hay niềm tin của nhiều chị em phụ nữ và cả cánh mày râu. Vì thế, nhiều chất làm đầy đã được bán trên thị trường, nhưng chỉ một số ít được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Tuy nhiên, một số thẩm mỹ viện chạy theo lợi nhuận, đã dùng cả những chất bị cấm. Trong đó, silicon lỏng là chất làm đầy rẻ tiền được sử dụng nhiều nhất. Đáng chú ý, trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi tiêm vào cơ thể, chúng trở thành chất độc có thể khiến khuôn mặt của bệnh nhân biến dạng, nhiễm trùng huyết, tắc phổi, hoại tử thậm chí có thể bị cắt bỏ, thương tật suốt đời...

 

Đại tá, PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vừa qua, Trung tâm đang điều trị cho trường hợp bệnh nhân N.H.H 45 tuổi, bị hoại tử vùng mông sau khi tiêm chất làm đầy. Theo bệnh nhân này chia sẻ, do bản thân luôn mặc cảm với vòng 3 lép nên chị đã xuống một spa tại Hà Nội để tiêm chất làm đầy. Vì tin tưởng lời quảng cáo của spa: đây là phương pháp không xâm lấn, không đau, khách hàng sẽ có vòng 3 căng tròn ngay sau tiêm, do đó, sau khi bơm silicon lỏng 01 ngày, bệnh nhân thấy mông phải có hiện tượng căng cứng, khó chịu, loét nên tìm đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chữa trị. Tuy nhiên, với trường hợp này, điều chắc chắn là mông của bệnh nhân sẽ biến dạng...

 

Ngoài bệnh nhân nói trên, nếu tới các chuyên khoa thẩm mỹ, tạo hình hay phẫu thuật chỉnh hình ở nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, thì chúng ta còn có thể mục sở thị rất nhiều trường hợp bệnh nhân khác phải cấp cứu, điều trị do tiêm filler để làm đẹp với muôn vàn lý do thật thương cảm. Trong đó, tiêm phải filler kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tại các cơ sở thẩm mỹ thiếu uy tín, không phép, không chính tắc, không chính quy,… rất đáng để lưu ý.

 

Để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra hay để tự bảo vệ mình một cách tốt nhất, theo các bác sỹ chuyên khoa, những người có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình, hãy đến những bệnh viện chuyên khoa uy tín, cơ sở thẩm mỹ hợp pháp, có số đăng ký giấy phép hoạt động. Tại đây, các bác sĩ thẩm mỹ sẽ giúp chúng ta phân biệt rõ các loại filler an toàn, chỉ định điều trị trách nhiệm, chu đáo. Nếu làm ở những chỗ thiếu uy tín như tiệm spa, tiệm uốn tóc, thậm chí có người còn chích filler ở khách sạn, nhà riêng rồi bảo đó là filler xách tay từ nước ngoài, thì không thể đảm bảo an toàn. Đặc biệt, nhiều khi hàng giả, nhưng kẻ bán lừa khách, đẩy giá lên cao thì khách hàng cũng không thể biết được…

 

Do đó, người tiêu dùng cần rất thận trọng trong việc lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín để đạt được hiệu quả làm đẹp cao nhất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình cũng như người thân.

 

Nam Hà


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang