Thứ Sáu, 29/03/2024 00:05:42 GMT+7

Tin đăng lúc 30-11-2015

Lượt xem: 3669

Hệ thống phân phối trong nước: Hàng Việt chiếm ưu thế

Chỉ còn hơn một tháng nữa, Việt Nam sẽ mở cửa với Cộng đồng Kinh tế ASEAN và sắp tới, hàng loạt hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực. Trong bối cảnh hội nhập đó, xây dựng hệ thống phân phối đủ mạnh là giải pháp quan trọng giúp hàng Việt Nam trụ vững.
Hệ thống phân phối trong nước: Hàng Việt chiếm ưu thế
Hệ thống phân phối trong nước góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt

Sức tiêu thụ tăng

 

Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết: Hệ thống phân phối trong nước đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Theo báo cáo từ các Sở Công Thương, hiện nay, hàng hóa Việt Nam được phân phối trong hệ thống chợ truyền thống với tỷ lệ 60%; tại các cửa hàng tiên lợi, tạp hóa, siêu thị… khoảng 70 - 80%.

 

Để giữ được “miếng bánh” thị phần trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước chủ động xây dựng kênh phân phối tiêu thụ hàng Việt Nam. Cụ thể: Tập đoàn VinGroup cho ra đời chuỗi siêu thị VinMart với mục tiêu hình thành kênh bán lẻ hàng Việt Nam. Sự hợp tác giữa VinGroup với hàng loạt DN sản xuất trong nước, các địa phương đã giúp tỷ lệ hàng Việt Nam tại chuỗi siêu thị này lên đến 80 - 90%. Tương tự, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã mở chuỗi siêu thị Co.opmart trên toàn quốc với tỷ lệ hàng Việt Nam lên đến 90%.

 

“Xây dựng các kênh phân phối thuần Việt là việc làm cần thiết vì khi hệ thống bán lẻ được mở cửa hoàn toàn theo cam kết WTO, nhà bán lẻ nước ngoài tràn vào Việt Nam, họ sẽ có ưu ái nhất định cho hàng hóa từ quốc gia họ” – ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup cho hay.

 

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

 

Phát triển kênh phân phối cần thiết, tuy nhiên hoàn toàn không dễ dàng bởi đòi hỏi chi phí lớn. Để hỗ trợ cho DN, ông Võ Văn Quyền cho hay, Bộ Công Thương đã và đang tập trung vào công tác hướng dẫn địa phương, DN trong việc tổ chức triển khai cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư cho hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, làm tốt khâu xây dựng quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch phát triển loại hình kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu. Đến nay, nhiều quy hoạch cơ bản đã được ban hành như: Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước…

 

Đặc biệt, trước tình trạng hàng Việt Nam còn khó khăn khi vào các hệ thống phân phối hoặc phải qua quá nhiều khâu trung gian, Bộ Công Thương tổ chức nhiều hoạt động kết nối cung cầu, giúp sản phẩm Việt tiếp cận các kênh phân phối. Tính riêng năm 2015, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu những sản phẩm nông sản mang tính thời vụ cao như: Dưa hấu, vải thiều, hành tím, ổi, na… đến những nhà phân phối lớn như: Satra, Hapro, Saigon Co.op, Lotte, AEON, Big C, Vinmart… Trong các hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với hệ thống phân phối tại 4 địa phương (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng) đã có 148 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa DN sản xuất, chế biến... với các trung tâm thương mại.

 

“Đến thời điểm này, đã có 28 Điểm bán hàng Việt Nam cố định được xây dựng tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước với mức hỗ trợ 80 triệu đồng/tỉnh. Xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam là một trong những hoạt động trọng tâm được Bộ Công Thương triển khai trong thời gian tới nhằm hình thành một hệ thống phân phối rộng khắp, giúp DN không phải bỏ vốn xây dựng đại lý và người tiêu dùng có địa chỉ mua sắm hàng Việt chính hãng”, ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh.

 

 

Hàng Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ 60% tại chợ truyền thống; 70 - 80% tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang