Thứ Sáu, 19/04/2024 14:31:55 GMT+7

Tin đăng lúc 21-07-2017

Lượt xem: 3561

Hẹp cửa vào Mỹ, cá tra Việt đi đâu

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, “cánh cửa” vào thị trường Mỹ dự kiến sẽ gặp vô vàn trở ngại kể từ ngày 02/8/2017, khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA ) chính thức kiểm tra 100% lô hàng cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này.
Hẹp cửa vào Mỹ, cá tra Việt đi đâu
Khi xuất khẩu khó khăn, chinh phục thị trường nội địa sẽ là một “cứu cánh” của DN cá tra Việt Nam

Thống kê của Tổng Cục Thủy sản Việt Nam cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt hơn 500 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam khi đạt hơn 133 triệu USD (tăng gần 41%), châu Âu đạt trên 78 triệu USD (giảm 28%), châu Á đạt gần 53 triệu USD.

 

Hẹp đường vào Mỹ

 

Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: “Việc phía Mỹ thay đổi lộ trình kiểm tra 100% lô hàng từ ngày 01/9 sang ngày 02/8 khiến nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra Việt Nam bất ngờ. Vì đã có sự chuẩn bị trước nên các vấn đề về chất lượng, chỉ tiêu kiểm soát không đáng lo ngại”.

 

“Vấn đề đáng lo nhất là các kho được chỉ định (i-house) ở Mỹ liệu có đủ cho nhu cầu của DN Việt Nam khi phải kiểm tra 100% hay không, vì nếu không đáp ứng đủ, các lô hàng sẽ xảy ra tình trạng lưu kho kéo dài hoặc hàng phải lưu kiểm tra tại các kho mới, ở xa nơi bán hàng, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho DN”, ông Hòe tiếp tục.

 

Theo VASEP, trước đây DN có quyền chọn kho trong quá trình chờ thông quan nhưng theo quy định mới, kho chứa sẽ được chỉ định. Ở Mỹ hiện có khoảng 40 kho được chỉ định, cho nên cơ quan chức năng Việt Nam cần sớm làm việc với phía Mỹ nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tránh tình trạng hàng hóa bị ách tắc, chậm hợp đồng.

 

Bên cạnh những lo ngại về tình trạng lưu kho tăng, chi phí kiểm hàng cũng là vấn đề khiến các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam phải “chùn bước”, thậm chí nhiều DN phải từ bỏ ý định xuất khẩu sang thị trường Mỹ, chuyển hướng sang các thị trường châu Âu, châu Á.

 

Ông Nguyễn Văn Đạo – Tổng Giám đốc Godaco, chia sẻ: “DN Việt Nam xuất khẩu cá tra sang Mỹ đang chịu cảnh “một cổ hai tròng” là thuế chống bán phá giá quá cao bị áp nhiều năm nay của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) và giờ thêm quy định kiểm tra 100% lô hàng của USDA. Với những khoản phải chịu thêm như phí kiểm tra, phí lưu kho vì kiểm tra từng lô hàng, DN xuất khẩu chỉ có lỗ”.

 

“Việc tất cả lô hàng cá tra của Việt Nam xuất sang Mỹ bị đưa vào kho ngoại quan, kiểm tra từng container, nếu đạt các tiêu chuẩn mới cho nhập sẽ khiến các khoản chi phí đội lên rất cao, DN vừa mất tiền lưu kho, tiền kiểm hàng từng lô hàng. Chi phí xuất khẩu vào Mỹ vốn đã cao nay còn cao hơn”, ông Đạo nhấn mạnh.

 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Thư – Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu An Mỹ (ANMYFISHCO), cho biết: “Không chỉ các DN xuất khẩu trực tiếp vào Mỹ bị ảnh hưởng, cả các DN xuất khẩu ngoài Mỹ cũng sẽ bị tác động gián tiếp. Vì khi gặp khó khăn ở thị trường Mỹ, các DN xuất khẩu sang Mỹ sẽ chuyển hướng sang các thị châu Á, châu Âu, việc này sẽ khiến sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn”.

 

Mở cửa thị trường mới

 

Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhận định: “Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để tháo gỡ khó khăn cho cá tra tại các thị trường Mỹ, EU. Song ngành thủy sản Việt Nam cần xác định thị trường Mỹ vẫn là thị trường chủ lực của cá tra. Bộ sẽ cùng các cơ quan liên quan tích cực đàm phán, tháo gỡ những khó khăn tại thị trường Mỹ, đặc biệt là đấu tranh với đạo luật Farm Bill (Luật Nông trại)”.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, cá tra Việt Nam cần những giải pháp bền vững, toàn diện hơn. Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Hùng Vương, cho rằng: “Ngoài việc tìm giải pháp “vượt rào” vào thị trường Mỹ, các DN cần linh động thay đổi chiến lược xuất khẩu sang thị trường EU với các sản phẩm cao cấp, chất lượng cao, bởi vì giá thấp không phải là yếu tố quyết định lựa chọn của người tiêu dùng khu vực này”.

 

Bên cạnh thị trường EU, nhiều DN cá tra Việt Nam cũng đang chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc. Theo ông Đạo, sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc ngày càng lớn, chi phí vận chuyển thấp, không có rào cản kỹ thuật, áp thuế bất hợp lý như thị trường Mỹ.

 

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một thị trường lớn được các DN cá tra quan tâm. Theo VASEP, việc các cửa hàng thuộc hệ thống AEON (Nhật Bản) có trưng bày sản phẩm cá tra Việt Nam thời gian qua là tín hiệu tốt nhưng để chinh phục thị trường Nhật Bản, các DN không chỉ cần cải thiện chất lượng mà còn cần chiến lược quảng bá, thuyết phục người tiêu dùng tại đây.

 

Ở một góc nhìn khác, ông Đào Văn Hồ – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho rằng: “Khi xuất khẩu gặp khó khăn, các DN cần chú trọng hơn thị trường trong nước với hơn 90 triệu khách hàng. Bộ NN&PTNT đã chủ trương trong năm 2017 sẽ từng bước vực dậy sức tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa, nhất là tiềm năng tiêu dùng còn bị bỏ ngỏ ở các tỉnh phía Bắc”.

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang