Thứ Tư, 24/04/2024 21:20:36 GMT+7

Tin đăng lúc 13-04-2016

Lượt xem: 4713

Hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng: Những kết quả đáng ghi nhận

Qua 6 năm triển khai thực hiện Đề án ‘’Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện bám sát mục tiêu và nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, đề án đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng: Những kết quả đáng ghi nhận
Đổi mới công nghệ giúp ngành khai khoáng nâng cao năng suất, tăng an toàn cho người lao động

Tích cực triển khai

Ngày 4/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 159/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án ‘’Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, đến năm 2015, ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi chuyên môn, nghiệp vụ và đội ngũ công nhân lành nghề, trình độ kỹ thuật tiên tiến, hoạt động bảo đảm an toàn lao động, đạt tiêu chuẩn về môi trường, hoàn nguyên sau khai thác, gắn với chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao, công nghệ sản xuất đạt trình độ cơ giới hóa, tự động hóa cao và khoa học công nghệ trở thành lực lượng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

 

 

Các nhà khoa học của Viện Dầu khí Việt Nam đang tìm tòi, nghiên cứu khoa học

 

Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, tháng 12/2008, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Điều hành và Tổ giúp việc Ban Điều hành Đề án. Ban Điều hành Đề án do Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban và các ủy viên là đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Tài chính, các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Hóa chất Việt Nam.

 

Thực hiện nhiệm vụ của đề án, các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các nội dung đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp. Việc đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các doanh nghiệp cơ bản phù hợp với mục tiêu, định hướng đã phê duyệt trong Đề án; góp phần tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí sản xuất, cải thiện điều kiện lao động, an toàn và môi trường, giảm bệnh nghề nghiệp, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản.

 

Các chương trình KH&CN trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đã được tổ chức thực hiện với sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Kết quả thực hiện đã xác định các giải pháp KH&CN, nhằm nâng cao mức độ cơ giới hóa, hiện đại hóa công nghệ của các mỏ; nâng cao hiệu quả chế biến, tận thu tối đa tài nguyên, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, cải thiện điều kiện làm việc, an toàn cho người lao động, làm cơ sở khoa học để các doanh nghiệp xem xét thực hiện đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và chế biến, tăng cường chế biến sâu khoáng sản. Song song với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động khoáng sản đã được rà soát, sửa đổi và ban hành giúp cho hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản ngày càng đi vào nề nếp và quy củ hơn.

 

Nhiều thành tựu về công nghệ

 

Đến nay, hầu hết công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tiệm cận trình độ khu vực; đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật tiên tiến, giỏi chuyên môn; hoạt động đảm bảo an toàn lao động, đạt tiêu chuẩn môi trường; công nghệ sản xuất đạt trình độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, chú trọng chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao.

 

Tập đoàn đang sử dụng nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới bao gồm cả các ứng dụng mới nhất của công nghệ thông tin; công nghệ sinh học và hóa học đã được áp dụng để nâng cao hệ số thu hồi dầu trong khai thác thứ cấp ở các mỏ như: Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen. Tập đoàn cũng đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy chế biến condensate Thị Vải, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ; sử dụng nhiều công nghệ /thiết kế mới nhất, tiên tiến nhất của các nhà cung cấp bản quyền/nhà thiết kế công nghệ trong lĩnh vực lọc dầu của thế giới…

 

Đối với Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam, trong giai đoạn 2010 - 2015, đã phê duyệt và thực hiện đồng bộ 10 chương trình KH&CN trọng điểm phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ tại các đơn vị thành viên với 133 đề tài và 11 dự án sản xuất thử nghiệm, tổng kinh phí đã bố trí từ Quỹ phát triển KH&CN khoảng 216 tỷ đồng.

 

Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài như: “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ khai thác theo hướng hiện đại hóa tại các mỏ than lộ thiên vùng Quảng Ninh”; “Nghiên cứu lựa chọn dây chuyền công nghệ tuyển than phù hợp để phát triển bền vững vùng Quảng Ninh”; “Nghiên cứu tích hợp các hệ thống kiểm soát thông gió, quan trắc khí mỏ nhằm xây dựng hệ thống giám sát tập trung phục vụ quản lý an toàn khí mỏ của các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh” ... đã được nghiệm thu và đưa vào áp dụng hiệu quả. Đơn cử như: Đề tài “Nghiên cứu nâng cao mức độ cơ giới hóa và hiện đại hóa khai thác than hầm lò và định hướng ứng dụng cho các mỏ than hầm lò vùng Quảng Ninh” do Viện KHCN Mỏ-VINACOMIN chủ trì thực hiện đã giúp nâng công suất và năng suất lao động cao hơn 1,5 - 1,8 lần so với khai thác thủ công, cho phép công nhân làm việc trong điều kiện ít nặng nhọc hơn, giảm số lượng công nhân làm việc trực tiếp tại gương lò chợ…

 

Các đơn vị thành viên của Tập đoàn Hóa chất đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu phát triển công nghệ, bám sát với nhu cầu thực tế như: Nghiên cứu xác định chiều sâu khai thác lộ thiên hợp lý đối với khoáng sản Apatit Lào Cai; nghiên cứu chuyển hướng dòng chảy mặt, chọn độ sâu khai thác quặng II hợp lý khu mỏ Cóc - mỏ Apatit Lào Cai; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao và ổn định chất lượng quặng tinh Apatit Lào Cai loại III đáp ứng yêu cầu sản xuất axit photphoric và phân bón DAP; nghiên cứu quy trình công nghệ tuyển và sản xuất thuốc tuyển quặng Apatit loại II Lào Cai... giúp các doanh nghiệp thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản Apatit.

 

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam cũng đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất trong các lĩnh vực khai thác, khoan nổ mìn làm tơi đá, xúc bốc, vận tải, công tác khai đào, ổn định bờ mỏ, sử dụng tổng hợp và triệt để tài nguyên khoáng sản... phù hợp với điều kiện thực tế của từng mỏ.

 

UBND các tỉnh/thành phố cũng nghiêm túc chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề án. Hầu hết các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh đã chú trọng nghiên cứu áp dụng những giải pháp cơ giới hóa ở mức độ phù hợp với điều kiện cụ thể, giảm tối đa lao động thủ công, chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

 

 

Những thành tựu đạt được trong giai đoạn vừa qua đã khẳng định tầm quan trọng của Đề án ‘"Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đồng thời tạo tiền đề, khích lệ cho việc thực hiện mục tiêu giai đoạn tiếp theo.

 

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang