Thứ Ba, 16/04/2024 17:02:40 GMT+7

Tin đăng lúc 07-07-2018

Lượt xem: 4845

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA): Phát triển từ thách thức và cơ hội mùa hàng 2017- 2018

Ngày 06/7/2018, tại thành phố biển Quy Nhơn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định (FPA) phối hợp với Hiệp hội Gỗ & Lâm sản tỉnh Bình Dương (BIFA) tổ chức Hội nghị chuyên đề: “Tổng kết mùa hàng 2017- 2018 và kỹ thuật hoàn thiện sản phẩm đồ gỗ nội thất”.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA): Phát triển từ thách thức và cơ hội mùa hàng 2017- 2018
Quang cảnh Hội nghị

Hoạt động của ngành Gỗ Bình Định và chương trình hành động của FPA Bình Định năm 2018 là một trong những chủ đề được “nóng” lên với những thách thức và cơ hội trong mùa hàng 2017 - 2018 ...

 

Từ kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành G

 

Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng cả về chất và lượng, vươn ra mạnh mẽ với thị trường thế giới. Tuy nhiên, về tổng quan năng lực chế biến gỗ trên phạm vi cả nước vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập. Tỉnh Bình Định – một trong những cái nôi của ngành chế biến gỗ cũng không nằm ngoài tình hình chung đó.

 

Những thách thức tập trung nhất vẫn là tình trạng thiếu hụt nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu và khai thác trong nước, thể hiện ở những mặt: Khối lượng nhỏ, chất lượng thấp như non, rác, rỗng ruột. Tỷ lệ gỗ có chứng chỉ đạt 8% diện tích rừng trồng, trong khi các sản phẩm gỗ xuất khẩu yêu cầu có xuất xứ nguyên liệu hợp pháp, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng liên tục…

 

Hơn nữa, ngành Gỗ Bình Định còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ thương nhân nước ngoài, hoặc cạnh tranh trong nội bộ ngành gỗ trên các mặt hàng dăm gỗ sản xuất giấy, gỗ viên nén, gỗ quy cách xây dựng…

 

Nhiều công nhân lành nghề chế biến gỗ, có trình độ vận hành các máy móc thiết bị hiện đại đã bị cuốn hút, phân tán đến những thị trường lao động có thu nhập cao hơn.

 

 

FPA kết nạp hội viên mới mùa hàng 2018 - 2019

 

Đến nỗ lực nắm bắt cơ hội, vượt khó và tạo thế phát triển bền vững

 

Đối với ngành Gỗ Bình Định, những rào cản về kỹ thuật và thương mại trên thị trường đồ gỗ thế giới luôn là mối trăn trở của Lãnh đạo tỉnh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản địa phương. Trong khi các nước tiêu thụ sản phẩm gỗ tăng cường kiểm tra, giám sát các Đạo luật như Lacey (Hoa Kỳ); Quy chế gỗ EU (EUTR); Luật cấm khai thác bất hợp pháp (Úc); Luật gỗ sạch và Luật sử dụng gỗ bền vững của Nhật Bản và Hàn Quốc. Nói “không” với khó khăn, tìm cơ hội trong thách thức để vượt qua một cách ngoạn mục: Những hy vọng mới đã được tìm thấy từ trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã, đang và sẽ có hiệu lực. Từ đó ngành Gỗ Bình Định đã duy trì và mở rộng được các đơn hàng tại các thị trường mới như khu vực Bắc Mỹ: Hoa Kỳ, Canada …

 

Những con số phát triển ngành Gỗ Bình Định đã xuất hiện trong mùa hàng 2017 - 2018: Năm 2017, tổng giá trị xuất khẩu ngành gỗ đạt 373,2 triệu USD, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 3,4% so với năm 2016, bao gồm: Đồ gỗ ngoài trời, sân vườn đạt 183,99 triệu USD; Đồ gỗ nội thất đạt 62,9 triệu USD; Dăm gỗ đạt 99,4 triệu USD và gỗ viên nén đạt 20,6 triệu USD…

 

 

Chủ tịch FPA (trái) và Chủ tịch BIFA ký kết kế hoạch hợp tác, kết nghĩa

 

Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018 trong điều kiện khó khăn hơn, những con số này đã tăng trưởng một cách thuyết phục: Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 164,8 triệu USD, chiếm 50% tổng kim ngách xuất khẩu cả tỉnh. Các mặt hàng đồ gỗ ngoài trời và đồ gỗ nội thất đều tăng từ 2,8% đến 25,6%.

 

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) đã tăng cường liên kết, hợp tác với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Dương (BIFA) vốn là trung tâm sản xuất chế biến đồ gỗ lớn nhất khu vực phía Nam và cả nước. Ngành chế biến gỗ Bình Dương theo Hiệp hội BIFA, năm 2017, giá trị KNXK của ngành Gỗ tỉnh Bình Dương đạt 4 tỉ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2 tỉ USD.

 

Tại hội nghị, FPA Bình Định và BIFA đã tiến hành ký kết “Kế hoạch hợp tác, kết nghĩa năm 2018”, với 5 nội dung chủ yếu: Chính sách ngành; Đào tạo - công nghệ; Xúc tiến đầu tư - thương mại; Phong trào hội và các dịch vụ khác.

 

Hướng đến những mục tiêu mùa hàng năm 2018 - 2019

 

FPA Bình Định đã xác định rõ những thách thức chính mà ngành gỗ phải đối mặt trong mùa hàng 2018 - 2019 là các vấn đề nòng cốt xung quanh “chiến tranh thương mại” giữa các cường quốc thế giới: Mỹ - Trung Quốc – EU, vấn đề chính sách bảo hộ sản xuất nội địa… sẽ tác động mạnh đến ngành chế biến gỗ Việt Nam, đồng thời ngành Gỗ Bình Định phải khẩn trương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tiếp tục đào tạo đội ngũ công nhân trẻ, làm chủ thiết bị tiên tiến để nâng cao hơn nữa năng suất lao động.

 

Mục tiêu của mùa hàng 2018 - 2019 mà ngành Gỗ - Lâm sản Bình Định đề ra là giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu 395 triệu USD, tăng 6%, trong đó đồ gỗ đạt 267 triệu USD, tăng 8% so với năm 2017.

 

Ông Phan Cao Thắng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định đã ghi nhận và đánh giá cao vai trò, vị thế của FPA Bình Định, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Đồng thời khẳng định: UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan như Cảng, Hải quan, Thuế, Giao thông vận tải… sẽ tạo điều kiện thuận lợi để FPA Bình Định và các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh hơn nữa. Đề nghị FPA Bình Định và BIFA cần tăng cường mối quan hệ, hợp tác, nhất là triển khai có hiệu quả “Kế hoạch hợp tác, kết nghĩa năm 2018” mà hai bên đã ký kết.

 

Đoàn kết, hướng về tầm nhìn mới với quyết tâm hợp tác và đề xuất thực hiện những giải pháp hiệu quả là tinh thần chủ đạo của “Hội nghị Tổng kết mùa hàng 2017 - 2018 và kỹ thuật hoàn thiện sản phẩm đồ gỗ nội thất”. Bình Định và Bình Dương đang trên đà khởi sắc về phát triển kinh tế xã hội, trong đó chế biến và xuất khẩu đồ gỗ là mũi nhọn kinh tế chiến lược đầy khích lệ.

 

                                                                            Văn Thuận

 

    


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang