Thứ Năm, 25/04/2024 02:58:40 GMT+7

Tin đăng lúc 24-08-2018

Lượt xem: 1482

Hồ tiêu liêu xiêu vì giá rớt thảm

Có những thời điểm giá bán hồ tiêu cao gấp 5 lần giá thành sản xuất, nhưng cũng vì vậy mà ngành hồ tiêu Việt Nam rơi vào tình trạng phát triển nóng, cung vượt cầu, để rồi bị chính khách hàng ép giá, mua rẻ. Việc thiếu định hướng sản xuất, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp lỏng lẻo khiến hồ tiêu Việt ngày càng mất giá.
Hồ tiêu liêu xiêu vì giá rớt thảm
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng tiêu giảm liên tục trong thời gian qua

Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, niên vụ hồ tiêu năm 2017-2018 đã bước vào vụ thu hoạch gần một tháng qua tại Indonesia và Malaysia, còn vụ thu hoạch tại Sri Lanka đã gần kết thúc, với sản lượng dự báo thấp hơn so với niên vụ 2016-2017.

 

Mặc dù vậy, thị trường hạt tiêu toàn cầu vẫn chịu sức ép giảm giá do áp lực dư cung. Trong đó, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam quá lớn, đạt trên 200.000 tấn, trong khi giao dịch trên thị trường hạt tiêu toàn cầu chỉ 300.000 – 350.000 tấn/năm.

 

Cung vượt xa cầu

 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, những ngày đầu tháng 8/2018, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước giảm. Cụ thể, ngày 10/8/2018, giá hạt tiêu đen giảm 3,8 – 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất là 49.000 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai. Giá hạt tiêu trắng giảm tới 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 85.000 đồng/kg.

 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 7 tháng năm 2018, xuất khẩu (XK) hạt tiêu đạt 153.000 tấn, trị giá 518,47 triệu USD, tăng 4% về lượng nhưng giảm tới 35,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

 

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết giá hồ tiêu lao dốc không chỉ do nguồn cung quá nhiều từ Việt Nam – nước được đánh giá là XK hồ tiêu hàng đầu của thế giới, mà thị trường còn chứng kiến một cuộc chạy đua tăng diện tích và sản lượng ồ ạt từ các nước khác, nhất là khi Brazil, Sri Lanka và Indonesia vừa thu hái xong, chuẩn bị tung hàng ra thị trường.

 

Theo ông Hải, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, sản lượng hồ tiêu của Brazil từ 25.000 tấn đã tăng vọt lên 85.000 tấn. Hồ tiêu Brazil thực sự thu hút khách hàng không chỉ về giá mà còn có chất lượng ổn định.

 

Cách mua bán của nhà vườn Brazil không như ở Việt Nam: sản xuất hàng hóa nông sản ra, được giá là bán ngay. "Vì thế, trong lúc nhà vườn Brazil sẵn sàng bán 2.500 USD mỗi tấn hồ tiêu, giá chào bán cùng loại của Việt Nam lên đến 3.200 USD. Khách hàng đổ về mua hồ tiêu Brazil, hậu quả là Việt Nam mất thị phần", ông Hải cho biết.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, có thời điểm hồ tiêu bán với giá cao ngất ngưởng 220 triệu đồng/tấn, cao gấp 5 lần giá thành, do vậy nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng hồ tiêu.

 

Hệ lụy hiện nay là cung vượt cầu. Nông dân mở rộng vùng trồng dù thổ nhưỡng không phù hợp phát triển hồ tiêu. Khi giá cao, nông dân tìm cách thâm canh, dẫn tới bệnh "chết nhanh, chết chậm" trên cây hồ tiêu.

 

Những năm qua, doanh nghiệp (DN) XK liên tục bị bên mua ép giá, hàng rào kỹ thuật tại các thị trường lớn của hồ tiêu Việt Nam cũng bị nâng lên, một phần là XK hồ tiêu nằm ở nguy cơ cung vượt cầu, chất lượng không đảm bảo.

 

Bên cạnh đó, dù xảy ra tình trạng cung vượt cầu, nhưng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ của ngành vẫn còn lỏng lẻo.

 

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết ở các quốc gia như Mỹ, châu Âu, các hiệp hội rất mạnh và các DN trong hiệp hội liên kết với nhau rất chặt chẽ với ngành hàng, nghĩa là khi DN XK phải có vùng nguyên liệu và vùng nguyên liệu này phải được tổ chức sản xuất gắt gao.

 

Trong khi đó, ở Việt Nam, một trong những điểm yếu không riêng gì ngành hồ tiêu mà các ngành khác như chè, cà phê cũng đang gặp phải, đó là khâu tổ chức sản xuất rất vất vả và rời rạc.

 

Đơn cử, một số DN đầu tư bài bản từ đầu, có ký kết hợp đồng nhưng đến khi thu hoạch nhiều khi chính các DN đầu tư đó lại không thu mua được bởi sự bẻ kèo của người dân. Một số DN, thương lái không đầu tư gì nhưng khi biết có hồ tiêu an toàn lại sẵn sàng trả giá cao hơn để tranh mua, dẫn tới nông dân phá kèo.

 

Hơn nữa, muốn thu được nhiều giá trị, ngành hồ tiêu cần phải đẩy mạnh chế biến. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành hồ tiêu vẫn chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng thấp.

 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có 100 DN tham gia sản xuất, chế biến và XK hồ tiêu, nhưng trong đó chỉ có 18 DN thực sự tham gia vào lĩnh vực chế biến, có nhà máy chế biến và nhà máy xử lý hồ tiêu qua hơi nước.

 

Kiên quyết không mở rộng diện tích

 

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ rà soát lại toàn bộ diện tích hồ tiêu, yêu cầu người dân không được trồng mới (dứt khoát không trồng lại ở những diện tích hồ tiêu đã bị bệnh). Đồng thời, ngành sẽ kiểm soát toàn bộ giống và quy trình canh tác, thành lập trung tâm nghiên cứu giống hồ tiêu.

 

Mục tiêu của ngành hồ tiêu phải là một trong 10 ngành hàng quan trọng nhất, kim ngạch XK trên 1 tỷ USD. "Tuy nhiên, không vì thế mà ngành này chạy theo sản lượng, diện tích mà phải đảm bảo năng suất, chất lượng. Đó mới là con đường để phát triển ngành lâu dài", ông Doanh nhấn mạnh.

 

Đồng thời, Bộ NN&PTNT yêu cầu các DN lớn và các địa phương cần phải xây dựng mối liên kết sản xuất cho ngành hồ tiêu. Làm sao hiệp hội và các địa phương phải "nắm đằng cán" thị trường, chủ động ra giá được trên thị trường quốc tế.

 

Ông Nguyễn Quý Dương bổ sung thêm, để mối liên kết giữa DN và nông dân khăng khít rất cần sự vào cuộc giữa các địa phương: "Nếu các địa phương có sự cam kết, đồng hành, đảm bảo có rất nhiều DN Việt Nam sẽ tham gia đầu tư. Mấu chốt ở đây là làm sao bảo hộ được đầu tư, bảo vệ được lợi ích của DN".

 

Ngoài ra, cần phải tổ chức trang web để định hướng cho bà con các thông tin thị trường, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cần "bắt tay" với Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế để thực hiện điều này.

 

Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ cung cấp thông tin về thuốc bảo vệ thực vật, các lô hàng XK bị cảnh báo để phối hợp với các DN truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

 

Theo Thời báo kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang