Thứ Tư, 24/04/2024 21:58:10 GMT+7

Tin đăng lúc 26-02-2016

Lượt xem: 3870

Hỗ trợ hiệu quả cho SME hội nhập TTP

Trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh xuất phát điểm vào “cuộc chơi TTP” của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, cần cải cách thể chế hiệu quả để hậu thuẫn và có các chính sách mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Hỗ trợ hiệu quả cho SME hội nhập TTP
Năng lực công nghệ của SME Việt Nam còn hạn chế. Ảnh minh họa

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được 12 nước tham gia ký kết (4/2/2016), dự kiến sẽ được thực thi trong năm 2018 khi hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Thành bại của quá trình hội nhập TTP, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Ngoài năng lực về thể chế thì yếu tố quyết định là nội lực của doanh nghiệp, sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Vì vậy, Nhà nước cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân phát triển. Cần phát động chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến 2020 Việt Nam có ít nhất khoảng 2 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đạt tầm cỡ trong khu vực ASEAN và châu Á trong vòng 5 -10 năm tới.

 

Điểm xuất phát về trình độ của nền kinh tế và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam khi bước vào “cuộc chơi TTP” xếp hạng ở mức thấp nhất, đây sẽ là một chặng đường rất gian nan đối với doanh nghiệp. So với đòi hỏi của quá trình phát triển nền kinh tế đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam vẫn chưa đông, chưa mạnh. Hiện cả nước mới có khoảng gần 600.000 doanh nghiệp thực hoạt động, trong đó có tới 97% là SME, tiềm lực tài chính, năng suất lao động thấp, trình độ quản trị, năng lực công nghệ rất hạn chế...

 

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là SME, tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ, trình độ quả trị còn hạn chế nên cạnh tranh sẽ rất khó khăn trong môi trường TTP, cần có các cơ chế, chính sách thích hợp hỗ trợ về: Công nghệ và năng lực quản trị; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; nâng cao khả tăng tiếp cận thị trường; hỗ trợ vốn; kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho SME...

 

 

Luật Doanh nghiệp 2014 đã có hiệu lực (1/7/2015) với nhiều quy định mới thông thoáng cho doanh nghiệp khởi nghiệp và phát triển, sau 6 tháng đi vào thực tiễn, số liệu thống kê cho thấy, đã có khoảng 50.000 doanh nghiệp mới được thành lập, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động trong vài năm lại đây cũng rất cao, gần tương đương với số doanh nghiệp thành lập mới. Trong giai đoạn đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới với các FTA thế hệ mới có mức độ cạnh tranh cao như TPP…, các SME Việt Nam cần phải phát triển về chất.

 

Phần nội dung cam kết cho SME trong TTP cũng đề cập đến việc các nước thành viên phải thiết lập website về TPP và thành lập ủy ban về SME trong TPP để cung cấp thông tin văn kiện TPP, thông tin về các cam kết TPP liên quan để SME tận dụng hiệu quả các cơ hội; Ủy ban về SME trong TPP đóng vai trò đầu mối cho những nỗ lực hợp tác giữa các nước và cho các hoạt động hỗ trợ SME như đào tạo nâng cao năng lực, cung cấp thông tin, trao đổi thực tiễn tốt, xây dựng các chương trình hỗ trợ SME phát triển…

 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO thuộc VCCI, so với doanh nghiệp ở các nước TPP khác, SME của Việt Nam cạnh tranh phát triển sẽ khó khăn hơn. Sự hậu thuẫn, hỗ trợ từ phía Nhà nước về thể chế cũng như các cơ chế khuyến khích cho SME nâng cao năng lực là rất quan trọng.

 

Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc R&D Viện Kinh tế và quản lý TP Hồ Chí Minh cho rằng, để khai thác tốt các cơ hội từ TTP, ngoài nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ SME một cách hiệu quả về đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, vốn, tiếp cận thông tin. Cập nhật cho SME các kiến thức về quản trị doanh nghiệp, công nghệ mới từ các nền kinh tế phát triển; huấn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo, quản trị, kỹ năng khởi nghiệp cho đội ngũ doanh nhân. Tài trợ những dự án nghiên cứu hình thành các nhà máy sản xuất công nghệ cao với các phương thức vận hành và quản trị tiên tiến mà SME không thể tự đầu tư được. Hỗ trợ về tài chính theo lộ trình phù hợp với đặc thù từng ngành nghề thông qua miễn, giảm thuế, ưu đãi lãi suất tín dụng theo một quy trình chuẩn về kiểm soát sử dụng vốn và vận hành doanh nghiệp. Đẩy mạnh cung cấp thông tin thị trường cho SME, bao gồm các quy định pháp lý cụ thể, tập quán kinh doanh tại các thị trường Việt Nam quan tâm./.

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử


Tag:SME

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang